You are here

Danh Hiệu Của Tín Đồ Cơ Đốc (7)

Danh Hiệu Của Tín Đồ Cơ Đốc (7)

Nhánh Của Cây Nho

Giăng 15:5

Bài giảng của Bà Mục Sự Châu Huệ Hiền


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Tín Đồ Cơ Đốc Là Nhánh Của Cây Nho

Hôm nay chúng ta sẽ tra khảo một danh hiệu khác của Tín Đồ Cơ Đốc.

Giăng 15:5. 5 Ta là cây nho, các ngươi là nhánh. Ai ở trong ta và ta ở trong người thì người ấy kết được nhiều quả; vì ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được.

Trong đoạn Kinh Thánh này Chúa Giê-su so sánh chính mình với cây nho và các môn đồ của Chúa là nhánh nho. Nếu ta ở trong Chúa và Chúa cũng ở trong ta, tựa như nhánh nho dính liền với cây nho vậy, thì ta sẽ kết được nhiều quả. Nếu ta rời xa Chúa thì tựa như nhánh nho tách rời cây nho, chúng ta không làm chi được.

Chúa Giê-su muốn giảng dạy ta điều gì ? Chúng ta phải làm gì mới xứng đáng được gọi là nhánh của cây nho?

Ta Phải Kết Quả Của Thánh Linh

Tôi quen biết một gia đình kia, họ không phải là Tín Đồ Cơ Đốc. Năm đó gia đình này mua một cây sanh quả quít về để sửa soạn mừng tết. Người Việt Nam thích đi mua cây bông mai hay cây sanh quả vào mùa tết. Người ta nghĩ rằng nếu cây bông mai nở hoa hay là cây sanh quả kết nhiều quả vào ngày mồng một hay mồng hai tết, thì năm đó được vận may, làm ăn kiếm được nhiều tiền. Lẽ dĩ nhiên Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta thì không nên tin vào những chuyện mê tín dị đoan này, cuộc đời ta đã hiệp làm một với Chúa Giê-su rồi, ta không cần và cũng không nên nhờ cậy vào điều này điều nọ để có vận may. Nhưng gia đình đó không phải là Tín Đồ Cơ Đốc, họ mong rằng cây quít này sẽ kết thật nhiều quả vào ngày tết, cho nên họ vui lòng trả giá cao để mua một cây tốt. Nhưng cây quít này không kết quả gì hết, tất cả mọi người trong gia đình đều bực bội lắm. Họ xem xét cây quít này muốn tìm ra nguyên nhân. Cuối cùng họ kết luận rằng cây quít này có sâu, và người bán cây đã lừa gạt họ, vì người đó nói rằng cây quít này tốt lắm.

Khi ta trồng một cây sanh quả, ta muốn nó kết quả. Cây nho là một loại cây sanh quả, nhánh nho thì rất nhỏ và yếu, không dùng để làm gì được, chứ không phải như nhánh của những cây lớn có thể dùng làm gỗ. Nhánh nho chỉ có một công dụng duy nhất, ấy là mang trái nho. Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta là nhánh nho, công dụng của ta là kết quả.

Kết quả có nghĩa là gì? Kết quả có phải là làm nhiều điều lành chăng? Kết quả có phải là dẫn đưa nhiều người trở về với Chúa Trời chăng? Cả hai điều này đều tốt lắm, nhưng không phải là ý nghĩa của từ ngữ “kết quả” trong đoạn Kinh Thánh Giăng 15:5.

Nguyên văn Hy-lạp của chữ “quả” là “καρπός” (đọc là kha-pô-s), chữ này là ở số ít, có nghĩa là chỉ 1 cái quả thôi. Cho nên kết quả không phải là làm nhiều điều lành, cũng không phải là dẫn đưa nhiều người trở về với Chúa Trời.

Khi một nhánh nho dính liền với cây nho, thì nhựa cây nho sẽ chảy vào nhánh nho khiến cho nó kết quả. Tương tự như vậy, khi ta ở trong Chúa Giê-su thì sức sống của Chúa sẽ chảy vào tâm hồn ta khiến ta trở nên càng ngày càng giống như Chúa vậy.

Phi-líp 1:11. 11được đầy dẫy quả của công nghĩa bởi Chúa Giê-su Christ để tôn vinh và khen ngợi Chúa Trời.

Khi ta ở trong Chúa Giê-su thì ta được đầy dẫy quả của công nghĩa. Mà quả của công nghĩa là gì?

Ga-la-ti 5:22 – 23. 22 Nhưng quả của Thánh Linh là: lòng yêu thương, sự vui mừng, bình yên, kiên nhẫn, nhân từ, hiền lành, trung tín, 23nhu mì, tiết độ. Không có luật pháp nào ngăn cấm các sự đó.

Qua 2 đoạn Kinh Thánh trên ta thấy rằng khi ta kết quả có nghĩa là cuộc sống của ta bày tỏ 9 đức tính này: lòng yêu thương, sự vui mừng, bình yên, kiên nhẫn, nhân từ, hiền lành, trung tín, nhu mì, tiết độ.

Nguyên văn Hy-lạp của chữ “quả” trong 2 đoạn Kinh Thánh trên Phi-líp 1:11Ga-la-ti 5:22 – 23 đều là “καρπός”, ở số ít. Vậy có nghĩa là 1 cái quả gồm tất cả 9 đức tính này, chứ không phải là 9 cái quả. Ấy không phải là 9 đức tính riêng biệt mà ta có thể tự ý lựa chọn đức tính ta yêu thích, ta muốn có đức tính này thì ta trau dồi đức tính này, ta không thích đức tính kia thì không đếm xỉa đến đức tính kia. Hoàn toàn không phải như vậy! Nếu ta có quả của Thánh Linh thì ta có hết thảy 9 đức tính này, nếu ta không có quả của Thánh Linh, thì ta chẳng có một đức tính nào cả.

Giăng 15:8. 8 Cha ta được vinh diệu là bởi điều này: các ngươi kết nhiều quả và chứng tỏ là môn đồ của ta vậy.

Nguyên văn Hy-lạp của chữ “quả” trong câu này vẫn là “καρπός”, ở số ít. Nhưng tại sao câu này lại nói là “kết nhiều quả”? Ngay trong câu Giăng 15:5 cũng nói là “kết được nhiều quả”, nhưng tại sao chữ “quả” lại ở số ít? Nguyên văn Hy-lạp của chữ “nhiều” là “πολύς” (đọc là pô-lu-s), chữ này có thể dịch là “nhiều, lớn, dài, vĩ đại v.v.” Bởi vậy “kết nhiều quả” cũng có thể dịch là “kết quả lớn”.

Chúa Giê-su dạy rằng khi chúng ta kết quả lớn thì người đời sẽ khen ngợi Đức Cha ở trên trời, Ngài sẽ được vinh diệu, và đồng thời cũng chứng tỏ rằng ta quả thật là môn đồ của Chúa Giê-su.

Qua đoạn Kinh Thánh này cho ta thấy rằng tuy “kết quả” trong Giăng 15:5 không phải là dẫn đưa nhiều người trở về với Chúa Trời, và cũng không phải là làm nhiều điều lành, nhưng giữa ba điểm này có một sự liên hệ quan trọng. Bởi vì khi ta mang quả của Thánh Linh, thì cuộc sống của ta có thể bày tỏ vinh diệu của Chúa Trời, và người đời sẽ bị thu hút trở về với Ngài. Khi ta mang quả của Thánh Linh càng lớn thì sẽ thu hút càng nhiều người về với Ngài. Hơn nữa khi ta mang quả của Thánh Linh càng lớn, thì tính tình của ta càng giống như Chúa Giê-su, ta sẽ càng thương xót cho những kẻ nghèo khổ và càng muốn giúp đỡ họ.

Chúng Ta Phải Làm Gì Mới Có Thể Kết Quả Của Thánh Linh?

Vậy chúng ta phải làm gì mới có thể kết quả của Thánh Linh?

Giăng 15:4 – 5. 4 Hãy ở trong ta, thì ta sẽ ở trong các ngươi. Tựa như nhánh nho, nếu không dính liền vào cây nho, thì không tự mình kết quả được; nếu các ngươi chẳng ở trong ta, thì cũng không kết quả được. 5 Ta là cây nho, các ngươi là nhánh. Ai ở trong ta và ta ở trong người thì người ấy kết được nhiều quả; vì ngoài ta, các ngươi chẳng làm chi được.

Nếu ta muốn kết quả, thì ta phải ở trong Chúa Giê-su. Nếu ta không ở trong Chúa, ta chẳng làm chi được. Nhưng ở trong Chúa có nghĩa là gì ? Chúa Giê-su đã thăng lên trời rồi, bây giờ Chúa đang ngồi ở bên hữu của Chúa Trời, còn ta thì ở trên trái đất, làm sao mà ta ở trong Chúa được?

Giăng 15:7. 7 Nếu các ngươi ở trong ta và những lời của ta ở trong các ngươi, hãy cầu xin mọi điều các ngươi muốn, thì sẽ được điều đó.

Trong đoạn Kinh Thánh này, Chúa Giê-su dạy rằng nếu chúng ta ở trong Chúa, và lời dạy của Chúa ở trong ta, thì tất cả mọi điều ta cầu xin đều sẽ được ban cho. Xin các bạn để ý, ở đây “các ngươi ở trong ta” thì nối liền với “lời của ta ở trong các ngươi”. Câu này cho ta thấy rằng khi chúng ta thật sự ở trong Chúa thì lời của Chúa ở trong ta.

Lời của Chúa ở trong ta không phải chỉ là ta nhớ kỹ lời của Chúa, hoặc là ta học tập lời của Chúa, mà quan trọng nhất là ta phải sống theo lời của Chúa.

Giăng 15:10. 10 Nếu các ngươi vâng giữ các điều răn của ta thì các ngươi sẽ ở trong sự yêu thương của ta, cũng như chính ta đã vâng giữ các điều răn của Cha ta và ở trong sự yêu thương của Ngài.

Nếu chúng ta vâng giữ các điều răn của Chúa Giê-su thì ta sẽ ở trong sự yêu thương của Chúa.

1 Giăng 3:24. 24 Ai vâng giữ các điều răn của Ngài thì ở trong Ngài và Ngài ở trong người ấy. Chúng ta biết Ngài ở trong ta là nhờ Thánh Linh mà Ngài đã ban cho ta.

Đoạn Kinh Thánh này dạy rằng nếu ta vâng giữ các điều răn của Chúa Trời thì ta ở trong Ngài và Ngài cũng ở trong ta. Tất cả những điều Chúa Giê-su giảng dạy đều đến từ Chúa Trời, cho nên điều răn của Chúa Giê-su tức là điều răn của Chúa Trời. Và Chúa Trời Gia-vê thì ngự trong Chúa Giê-su, tâm linh của Chúa Trời và tâm linh của Chúa Giê-su là hiệp làm một, cho nên ở trong Chúa Trời tức là ở trong Chúa Giê-su.

Khi ta tổng hợp 3 đoạn Kinh Thánh trên Giăng 15:7, Giăng 15:10 và 1 Giăng 3:24, ta thấy rằng khi ta vâng giữ các điều răn của Chúa Giê-su thì ta ở trong Chúa.

Ta Cần Phải Có Sức Sống Của Chúa Giê-su Tuôn Chảy Vào Tâm Hồn Của Ta

Nếu ta muốn kết quả của Thánh Linh thì ta phải ở trong Chúa Giê-su. Mà ở trong Chúa Giê-su có nghĩa là ta phải vâng giữ các điều răn của Chúa. Xin các bạn ngẫm nghĩ coi, vâng giữ điều răn của Chúa Giê-su là khó hay là dễ? Các bạn có biết điều răn của Chúa Giê-su là điều răn gì không?

Trong Giăng 15:10 Chúa Giê-su dặn bảo ta phải vâng giữ điều răn của Chúa, rồi ngay lập tức trong 2 câu kế tiếp Chúa nói rõ cho ta biết điều răn đó là cái gì.

Giăng 15:12 – 13. 12 “Đây là điều răn của ta: Các ngươi hãy yêu thương nhau tựa như ta đã yêu các ngươi vậy. 13 Chẳng có sự yêu thương nào vĩ đại hơn là vì bạn hữu mà hy sinh tính mạng của mình.

Điều răn của Chúa Giê-su là chúng ta phải yêu thương nhau tựa như Chúa đã yêu thương ta vậy. Chúa Giê-su đã yêu thương chúng ta đến mực nào? Chúa đã hy sinh tính mạng để cứu chuộc ta, ấy là tình yêu thương của Chúa Giê-su. Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta phải yêu thương nhau đến nỗi ta vui lòng hy sinh tính mạng vì anh chị em Tín Đồ.

Các bạn thấy chưa? Thật ra vâng giữ điều răn này không phải là khó khăn, mà là không cách nào làm được. Loài người không bao giờ vâng giữ được điều răn này của Chúa Giê-su. Vì người thân trong gia đình của mình chúng ta còn chưa chắc vui lòng hy sinh tính mạng của mình, huống chi là hy sinh tính mạng vì các anh chị em Tín Đồ. Nếu chúng ta không vui lòng hy sinh tính mạng vì anh chị em Tín Đồ thì chúng ta hẳn không thể nào yêu thương nhau tựa như Chúa đã yêu thương chúng ta vậy.

Trừ phi sức sống của Chúa Giê-su tuôn chảy vào cuộc sống của ta và biến đổi tâm hồn ta càng ngày càng giống như Chúa Giê-su vậy, rồi chúng ta mới vui lòng hy sinh tính mạng vì anh chị em Tín Đồ, và chúng ta mới có thể yêu thương nhau tựa như Chúa đã yêu chúng ta vậy. Các bạn có muốn vâng giữ điều răn này của Chúa Giê-su không?

Nhiều năm về trước khi tôi lần đầu tiên đọc đoạn Kinh Thánh này, tôi biết tôi làm không nỗi điều răn này, nhưng lòng tôi muốn vâng giữ điều răn này. Còn bạn thì sao? Bạn có muốn vâng giữ điều răn này không? Nếu bạn không muốn vâng giữ điều răn này, thì phần còn lại của bài giảng này không có giá trị gì cả đối với bạn. Nhưng nếu bạn khao khát vâng giữ điều răn này thì bạn muốn tìm hiểu bằng cách nào ta mới có thể nhận được sức sống của Chúa Giê-su chảy vào tâm hồn ta.

Ở nước Y-sơ-ra-ên người ta dùng phương pháp ghép nhánh cây vào thân cây nho để mang trái. Nếu cây nho nào có thể mang nhiều trái nho, thì người ta cắt nhánh cây từ cây khác và ghép vào cây nho đó. Nhựa cây chảy từ cây nho vào nhánh nho qua chỗ nối. Nếu chỗ nối tốt thì nhựa cây sẽ tuôn chảy không trở ngại, và nhánh nho sẽ kết quả mang trái nho. Nếu chỗ nối không tốt, thì nhánh cây chỉ nhận được rất ít nhựa cây không đủ để nuôi dưỡng nhánh nho và kết quả; và cũng có trường hợp nhánh nho hoàn toàn không nhận được một chút nhựa cây nào hết, và nhánh nho đó sẽ khô héo rất nhanh.

Chỗ nối không tốt thì có nhiều nguyên nhân. Không chừng ngay từ ban đầu nhánh nho không được ghép vào cây nho đúng mức. Có nhiều người Tín Đồ Cơ Đốc không có phó thác cuộc sống của mình hoàn toàn cho Chúa Trời, họ giữ lại một số chuyện, họ muốn nắm giữ quyền làm chủ những chuyện đó, họ không muốn để cho Chúa Trời cai quản những chuyện đó. Chẳng hạn như có những tội lỗi họ không muốn ăn năn hối cải, không chừng họ không muốn tha lỗi cho một vài người, không chừng có một số chuyện họ không muốn làm theo lời dạy của Ngài v.v.

Nếu nhánh nho không ghép vào cây nho đúng mức, sau này sẽ ảnh hưởng đến sự tuôn chảy của nhựa cây. Tương tự như vậy, nếu chúng ta không có phó thác cuộc đời của mình hoàn toàn cho Chúa Trời, sau này sẽ ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa Chúa Trời và ta, và sức sống của Chúa Giê-su sẽ bị cản trở không thể tuôn chảy vào tâm hồn của ta được.

Cũng có một số nhánh cây đã được ghép vào cây nho đúng mức, và họ cũng nhận được đầy đủ nhựa cây, họ cũng trưởng thành tốt đẹp lắm, không chừng đã có mang trái nho rồi. Nhưng về sau ở chỗ nối bị mắc bịnh tật, bịnh tật này khiến nhựa cây không chảy qua chỗ nối đến vào nhánh cây được, và không chừng bịnh tật lan tràn khắp cả nhánh nho, khiến nhánh nho chết đi.

Trong cuộc sống của Tín Đồ Cơ Đốc cũng tương tự như vậy. Lúc ban đầu ta theo đuổi Chúa Trời một cách trung tín, nhưng dần dần ta bị thế gian lôi cuốn, đức tin của ta không còn thuần túy và chân thành như trước, ta không chịu hết lòng hết sức vâng giữ các điều răn của Chúa Giê-su nữa. Hỡi các anh chị em, chúng ta phải coi chừng, nếu hiện giờ đức tin của ta không còn thuần túy và chân thành như trước, thì cho dù trước kia ta có kết quả của Thánh Linh, nhưng cái quả đó sẽ khô tàn dần dần và chết đi.

Nói tóm lại nếu chúng ta muốn luôn luôn ở trong Chúa Giê-su thì đầu tiên ta phải phó thác cuộc đời của mình hoàn toàn cho Chúa Trời để Ngài cai quản trọn vẹn đời ta; rồi sau khi ta trở thành Tín Đồ Cơ Đốc rồi, ta phải gìn giữ tấm lòng của mình luôn luôn trung tín và vâng phục Chúa Trời, như vậy thì sức sống của Chúa Giê-su sẽ tiếp tục tuôn chảy vào tâm hồn ta không trở ngại, ta trở nên càng ngày càng giống như Chúa, và ta có lực lượng thuộc linh để sống theo điều răn của Chúa, ta có thể mang quả của Thánh Linh ngày càng tốt đẹp vậy.

Nếu Ta Không Kết Quả Thì Sẽ Bị Chặt Đi

Ta thấy rằng cái quả của Thánh Linh không phải là tự nhiên mà có, Chúa Trời sẽ ban ân điển để giúp đỡ ta, nhưng ta cũng phải ráng cố gắng phối hợp với ân điển của Ngài. Nhưng nếu ta không kết quả của Thánh Linh thì có sao không?

Giăng 15:1 – 3. 1 Ta là cây nho thật, và Cha ta là người trồng nho. 2 Hễ nhánh nào trong ta mà không kết quả thì Ngài chặt đi; và Ngài tỉa sửa những nhánh nào kết quả để được càng nhiều quả hơn. 3 Các ngươi đã được trong sạch vì nhờ vào lời ta truyền dạy các ngươi.

Chúa Giê-su là cây nho thật, còn Đức Cha ở trên trời là người trồng nho. Nhánh nào mà không kết quả thì Đức Cha sẽ chặt đi. Khi một nhánh cây bị chặt đi rồi, thì hậu quả là gì?

Giăng 15:6. 6 Nếu ai chẳng ở trong ta thì người tựa như một nhánh cây bị ném ra ngoài và khô đi; người ta gom lại những nhánh đó, quăng vào lửa, thì họ cháy.

Những nhánh cây bị chặt đi rồi thì sẽ khô đi, người ta gom lại những nhánh này và quăng vào lửa để họ cháy. Chúng ta là nhánh của cây nho, nếu chúng ta không kết quả thì sẽ bị chặt đi. Khi chúng ta bị chặt đi rồi thì chỉ có chờ đợi bị lửa hừng đốt cháy thôi.

Đức Cha Tỉa Sửa Ta Khiến Ta Kết Quả Càng Tốt Đẹp Hơn

Ngoài ra trong đoạn Kinh Thánh trên Giăng 15:1 – 3 Chúa Giê-su cũng dạy rằng khi nhánh nào có kết quả thì Đức Cha sẽ tỉa sửa nhánh đó để cho nó kết quả càng nhiều hơn, và chúng ta đã được trong sạch vì lời dạy bảo của Chúa. Tỉa sửa nhánh nho có nghĩa là gì? Đức Cha sẽ tỉa sửa chúng ta như thế nào?

Xin các bạn để ý, trong đoạn Kinh Thánh này có hai từ ngữ “tỉa sửa” và “trong sạch”. Hai từ ngữ này hình như khác biệt hẳn, nhưng thật ra “tỉa sửa” và “trong sạch” có cùng một căn nguyên trong nguyên văn Hy-lạp. Từ ngữ “tỉa sửa” trong nguyên văn Hy-lạp là “καθαίρω” (đọc là kha-thai-ru), ý nghĩa là “làm cho trong sạch”; còn từ ngữ “trong sạch” trong nguyên văn Hy-lạp là “καθαρός” (đọc là kha-tha-rô-s). Hai chữ này có cùng một căn nguyên, nhưng “καθαίρω” là động từ, nên được dịch là “làm cho trong sạch” hay “tỉa sửa”, còn “καθαρός” là tỉnh từ, nên được dịch là “trong sạch”.

Khi người trồng nho tỉa sửa nhánh nho có nghĩa là làm cho nhánh nho trong sạch. Nhánh nào có kết quả thì người trồng nho cắt bớt đi những phần không tốt đẹp hoặc không cần thiết hầu cho nhựa cây có thể tập trung lại để nuôi dưỡng những phần tốt đẹp và cần thiết, rồi nhánh đó sẽ kết quả càng nhiều hơn. Tương tự như vậy, khi cuộc sống của ta có kết quả của Thánh Linh thì Đức Cha sẽ tỉa sửa ta tức là Ngài sẽ cắt đi những phần không tốt đẹp trong cuộc sống của ta hầu cho cuộc sống của ta ngày càng trong sạch.

Đức Cha làm sạch cuộc sống của ta bằng cách nào? Trong đoạn Kinh Thánh Giăng 15:3 Chúa Giê-su dạy rằng: “Các ngươi đã được trong sạch vì nhờ vào lời ta truyền dạy các ngươi”. Đức Cha sẽ dùng lời dạy bảo của Chúa Giê-su để làm sạch cuộc sống của ta. Qua lời của Chúa Giê-su, Chúa Trời sẽ khải thị cho ta thấy những phần không tốt đẹp trong cuộc sống của ta, Ngài sẽ ban ân điển cho ta để giúp ta cắt bỏ những phần không tốt đẹp đó. Nhờ vậy mà tâm hồn của ta sẽ càng ngày càng trong sạch, ta có thể mang quả của Thánh Linh càng tốt đẹp, 9 đức tính của quả của Thánh Linh sẽ được bày tỏ ra ngày càng rực rỡ hơn.

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church