You are here

Danh Hiệu Của Tín Đồ Cơ Đốc (18)

Danh Hiệu của Tín Đồ Cơ Đốc (18)

Người Quản Lý

1 Phi-e-rơ 4:10 – 11

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Câu Chuyện Thiệt Của Một Bà Quản Lý Trung Tín

Có một phim xi-nê nói về câu chuyện thiệt của một bà quản lý trung tín. Chừng vài chục năm về trước, ở thành phố Quảng Châu của Trung Quốc, có một gia đình khá sung túc, họ có mướn một vài người đầy tớ giúp việc và một bà quản lý trông coi các công việc trong gia đình. Hai vợ chồng của gia đình đó có một vài con cái, nhưng người con gái út bị mù từ hồi nhỏ. Bà quản lý rất cưng con gái mù này, mỗi ngày bà đều dắt con gái mù ra ngoài dạo phố. Bà cho cô này ăn mặc đẹp đẽ, thông thường những người không quen thì không biết cô là mù.

Khi cô dần dần lớn lên, cô vào trường người mù. Cô này thông minh và chăm học, tuy bị mù mắt, nhưng cô học rất giỏi. Cô theo học trường Đạo Cơ Đốc và cô trở thành một Tín Đồ Cơ Đốc. Cô này cũng truyền giảng Tin Lành cho bà quản lý, bà thì thích nghe lắm, nhưng bà chưa muốn phó thác cuộc đời của mình cho Chúa Trời Gia-vê. Cô gái mù này cũng dạy cho bà những kiến thức học vấn mà cô học được ở trường, cô còn dạy cho bà nói được một vài câu tiếng Anh nữa.

Bà quản lý hết lòng hết sức trông nom cô gái mù này, tình cảm giữa hai người tựa như tình mẹ con vậy. Về sau cả gia đình phải rời đi Hong Kong để tị nạn chiến tranh, và họ cũng dắt bà quản lý và những người đầy tớ đi cùng một lượt. Sau khi họ đến Hong Kong rồi, người cha kiếm không được việc làm, kinh tế của gia đình trở nên rất khó khăn. Lúc đó trong thành phố Hong Kong thì đầy dẫy nạn dân ra từ Trung Quốc. Gia đình đó phải sa thải những người đầy tớ giúp việc trong nhà, nhưng bà quản lý không chịu đi. Bà đi lãnh đồ về nhà làm để kiếm tiền giúp đỡ gia đình chủ nhà. Bà không muốn lìa khỏi gia đình đó, nhất là bà không muốn rời cô gái mù. Rồi bà thấy rằng lãnh đồ về nhà làm thì kiếm không được bao nhiêu tiền, cho nên bà đi kiếm việc làm ở ngoài. Bởi vì bà nói được vài câu tiếng Anh, cho nên bà kiếm được một việc làm ở nhà máy. Ban ngày bà làm việc ở nhà máy, ban đêm bà về nhà nấu cơm trông nom gia đình người chủ. Tiền lương bà kiếm được thì bà giao hết thảy cho bà chủ nhà để dùng làm chi tiêu trong gia đình. Bà chỉ giữ lại một phần nhỏ để mua đồ ăn áo quần cho cô gái mù, và bà dành tiền lại để đóng học phí cho cho cô đi học ở trường người mù.

Rồi người cha của gia đình kiếm được việc làm, dần dần kinh tế của gia đình trở nên tốt hơn một chút, nhưng vẫn rất nghèo. Cô gái mù đó đã hoàn thành chương trình trung học ở trường người mù rồi. Cô thì ham học lắm, cô muốn tiếp tục lên đại học. Nhưng hồi đó ở Hong Kong không có chương trình đại học cho người mù, nếu cô này muốn học tiếp thì cô phải sang nước Mỹ mà học, nhưng gia đình đâu có đủ tiền để cho cô đi du học ở bên Mỹ. Cô nghe nói rằng một cơ quan tổ chức của Đạo Cơ Đốc ban tặng một số học bổng cho học sinh nghèo, cô bèn nộp đơn xin học bổng. Cô cầu xin Chúa Trời ban cho cô cơ hội để được học tiếp, cô mong rằng sau này học thành tài thì cô có thể sử dụng kiến thức của mình để hầu việc Ngài. Mỗi ngày cô cầu nguyện, và bà quản lý cũng cầu nguyện cùng một lượt với cô. Một hôm cô được tin rằng cô được ban cho học bổng đi Mỹ, cô và bà quản lý đều mừng rỡ vô cùng. Lúc đó chính bà quản lý cũng tin vào Chúa Trời Gia-vê và Chúa Giê-su. Bà rất vui mừng thấy cô gái mù có thể đi du học ở Mỹ, cho dù bà cũng buồn vì cô phải rời bà ra đi.

Câu chuyện này do chính cô gái mù đó viết lại. Bà quản lý này hết lòng hết sức phụng sự cho gia đình người chủ, bà quả thật là một người quản lý trung tín. Câu chuyện này thì có liên quan đến danh hiệu mà chúng ta tra khảo hôm nay.

Tín Đồ Cơ Đốc Là Người Quản Lý Của Các Thứ Ân Điển Của Chúa Trời

1 Phi-e-rơ 4:10 – 11 10 Mỗi người hãy lấy ân tứ đã nhận được mà hầu việc lẫn nhau, như người quản lý tốt của các thứ ân điển của Chúa Trời. 11 Nếu có người giảng luận thì hãy giảng như rao lời của Chúa Trời; nếu có ai hầu việc thì hãy hầu việc như bằng sức lực của Chúa Trời ban cho; hầu cho Chúa Trời được vinh diệu trong mọi sự bởi Chúa Giê-su Christ, là đấng được vinh diệu quyền năng đời đời vô cùng. A-men.

Căn cứ theo đoạn Kinh Thánh trên 1 Phi-e-rơ 4:10 – 11, chúng ta là quản lý của các thứ ân điển của Chúa Trời. Người quản lý trên thế gian này trông nom tài sản, việc buôn bán và việc nhà mà người chủ đã giao cho họ, còn chúng ta thì quản lý các thứ ân điển của Chúa Trời. Chúng ta nên sử dụng ân tứ đã ban cho ta để hầu việc lẫn nhau.

Chúa Trời ban cho chúng ta các thứ ân tứ không phải chỉ để cho một mình ta được lợi ích, các thứ ân tứ đó là để hầu việc lẫn nhau, hầu cho Chúa Trời được vinh diệu trong mọi sự bởi Chúa Giê-su Christ.

Thí dụ: Có người được ban cho ân tứ giảng luận, họ có thể giảng dạy lời của Chúa Trời rõ ràng và hùng mạnh, thì họ nên sử dụng ân tứ này để rao truyền lời dạy của Ngài. Có người được ân tứ làm công việc hành chánh, thì họ nên quản lý công việc hành chánh trong hội thánh. Có người được ân tứ về âm nhạc, ca hát, họ có thể ca ngợi Chúa Trời bằng những bài thánh ca. Có người được ân tứ đặc biệt về khuyến khích yên ủi kẻ khác, họ có thể khuyến khích yên ủi những kẻ đau buồn ưu sầu.

Nhiều năm về trước chồng tôi và tôi phụng sự tại một hội thánh, có một anh Tín Đồ nấu ăn rất ngon, anh thường mời các bạn bè chưa tin vào Chúa Trời cùng các anh chị em Tín Đồ đến nhà ăn cơm. Trong khi anh nấu cơm cho họ thì các anh chị em Tín Đồ và các bạn bè quây quần nhau chia xẻ nói chuyện. Anh dùng cách này để rao truyền Tin Lành cho những bạn bè chưa nhận biết Chúa Trời Gia-vê và Chúa Giê-su.

Tôi quen biết một chị Tín Đồ có ân tứ đặc biệt về trông nom người yếu. Chị này đầy dẫy lòng thương xót, chị lúc nào cũng tìm cách giúp đỡ người này người kia. Ban ngày chị này đi làm, thông thường vào buổi tối chị đi viếng thăm những người nằm bịnh ở nhà. Chị làm sạch nhà cửa cho họ, đôi khi chị còn nấu cơm cho họ nữa. Khi có người nào bịnh nặng, chị còn ngưng công việc ban ngày để đưa người ấy vào nhà thương. Những người bịnh nhân mà chị trông nom thì gồm có Tín Đồ Cơ Đốc và cả những người không tin vào Chúa Trời Gia-vê và Chúa Giê-su. Chi muốn rao truyền tình thương của Chúa Trời cho mọi người bằng hành động và tình thương.

Các bạn chắc nghĩ rằng chị này thì khỏe mạnh và giàu có lắm, phải không? Không! Không phải! Chị này không phải giàu sang phú quý, chị là một người công nhân dọn dẹp vệ sinh nhà cửa. Và chính thân thể của chị cũng yếu lắm, chị thường bị đau ở chỗ này chỗ kia, và nhiều lúc chị đau đến nỗi phải nằm nhà thương. Nhưng chị không bao giờ cằn nhằn than phiên, ngược lại chị lúc nào cũng tạ ơn khen ngợi Chúa Trời. Mỗi ngày chị cứ đi chỗ này chỗ kia thăm viếng người bịnh và trông nom yên ủi họ. Cuộc sống của chị là tràn đầy tình thương và sức lực của Chúa Trời, quả thật chị đã đem lại vinh diệu cho Ngài trong những việc chị làm.

Người Quản Lý Phải Sử Dụng Ân Điển Của Chúa Trời Một Cách Khôn Ngoan

Các bạn có muốn làm người quản lý tốt của Chúa Trời không? Một người quản lý tốt thì cần phải có đức tính gì?

Lu-ca 16:1 – 13 1 Chúa Giê-su lại nói cùng các môn đồ rằng: “Một người giàu kia có người quản lý bị tố cáo đã lãng phí tài sản của chủ. 2 Vậy chủ gọi người quản lý đến mà nói rằng: “Ta nghe người ta nói gì về ngươi? Hãy kê khai sổ sách quản lý của ngươi, vì ngươi không được làm quản lý nữa.” 3 Người quản lý tự nhủ rằng: “Chủ cất chức quản lý của ta thì ta sẽ làm gì? Cuốc đất thì ta không đủ sức làm nổi, ăn mày thì hổ thẹn. 4 Ta biết ta sẽ làm gì, để khi bị cất chức quản lý rồi, người ta sẽ tiếp rước ta về nhà họ.” 5 Người ấy bèn gọi những kẻ mắc nợ chủ mình đến từng người một, và hỏi người thứ nhất rằng: “Ngươi mắc nợ chủ ta bao nhiêu?” 6 Trả lời rằng : “Một trăm thùng dầu.” Quản lý nói rằng: “Hãy cầm lấy tờ khế, ngồi xuống đó viết mau: Năm chục thùng.” 7 Rồi hỏi người kia rằng: “Còn ngươi, mắc nợ bao nhiêu?” Trả lời rằng: “Một trăm giạ lúa mì.” Quản lý nói rằng: “Hãy cầm lấy tờ khế và viết: Tám chục.” 8 Người chủ khen quản lý bất nghĩa ấy vì người đã làm việc khôn ngoan. Vì con cái của đời này trong việc đối xử với kẻ đương thời với mình thì khôn ngoan hơn con cái của sự sáng. 9 Còn ta nói cho các ngươi: “Hãy sử dụng tiền của bất nghĩa mà kết bạn, để khi tiền của ấy cạn đi thì họ sẽ tiếp các ngươi vào nhà ở đời đời. 10 Ai trung tín trong việc rất nhỏ thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất nghĩa trong việc rất nhỏ thì cũng bất nghĩa trong việc lớn. 11 Vậy nếu các ngươi không trung tín về tiền của bất nghĩa, ai sẽ giao phó tiền của chân thật cho các ngươi? 12 Nếu các ngươi không trung tín về tiền của người khác, ai sẽ giao cho các ngươi tiền của thuộc về các ngươi? 13 Không có đầy tớ nào có thể hầu việc hai người chủ, vì người sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc hiến mình cho chủ này mà khinh dể chủ kia. Các ngươi không thể vừa làm nô lệ Chúa Trời lại vừa làm nô lệ ma-môn (tức là tiền bạc) nữa.”

Trong đoạn Kinh Thánh này Chúa Giê-su dùng một ví dụ để giảng dạy chúng ta. Sau khi các bạn nghe câu chuyện này, các bạn có thắc mắc rằng tại sao người quản lý này chưa hỏi ý kiến của ông chủ mà dám tự mình giảm bớt số nợ cho người mắc nợ? Tại sao người làm những chuyện như vậy mà không bị bỏ tù? Hơn nữa người chủ chẳng những không làm gì cả, mà còn khen người quản lý này khôn ngoan nữa, tại sao kỳ lạ như vậy?

Vâng, muốn hiểu rõ ý nghĩa của ví dụ này, đầu tiên chúng ta phải tìm hiểu luật lệ của người Do Thái. Thật ra Luật Pháp trong Kinh Thánh quy định rằng khi vay tiền của cho anh em người Y-sơ-ra-ên nước mình, họ không được lấy lời lãi gì cả, tại vì họ có bổn phận phải giúp đỡ anh em nghèo khổ của nước mình. Chỉ khi vay tiền của cho người nước ngoài thì họ mới được thâu lợi tức thôi.

Lê-vi Ký 25:36 – 37 36 Không được lấy lãi ăn lời, nhưng phải kính sợ Chúa Trời ngươi để cho anh em ngươi có thể sống cùng ngươi. 37 Không được cho người ấy vay tiền để lấy lãi hay vay lương thực của ngươi để lấy lời.

Phục Truyền Luật Lệ Ký 23:19 – 20 19 Ngươi không được đòi lời lãi gì nơi anh em mình về tiền bạc, về đồ ăn hay là về món nào mà người ta cho vay để ăn lời. 20 Ngươi có thể lấy lãi người ngoại bang, nhưng không được lấy lãi anh em mình, hầu cho Đức Gia-vê Chúa Trời ngươi ban phước cho ngươi về mọi việc ngươi làm trong xứ mà ngươi sắp đi vào để nhận làm sản nghiệp.

Về sau dần dần người ta đi mượn tiền của để làm buôn bán, chứ không phải vì lý do nghèo khổ, cho nên những người Pha-ri-si, tức là những học giả của Đạo Do Thái cho phép người Do Thái ăn lời lãi khi họ vay tiền của cho người ta. Nhưng ấy là trái ngược với Luật Pháp trong Kinh Thánh.

Khi người Do Thái cho người khác vay dầu, họ có thể thâu lãi 100%. Có nghĩa là nếu cho vay 50 thùng dầu, thì người ta phải trả lại 100 thùng, bởi vì 50 thùng là vốn, còn 50 thùng kia là lãi. Và khi cho người khác vay lúa mì, họ có thể thâu lãi 1/4. Có nghĩa là nếu cho vay 80 giạ lúa mì, thì người ta phải trả 100 giạ, bởi vì 80 giạ là vốn, còn 20 giạ kia là lãi.

Trong câu chuyện này, khi người quản lý giảm bớt số nợ cho các con nợ thì người chỉ là trừ đi số lượng lời lãi thôi, chứ người không có đụng chạm gì đến cái vốn của ông chủ. Một trăm thùng dầu trừ đi lời lãi năm mươi thùng dầu, thì còn lại năm mươi thùng; một trăm giạ lúa mì trừ đi lời lãi 20 giạ thì còn lại 80 giạ. Khi ông chủ biết được chuyện này cũng không làm gì được, bởi vì ông đi thâu lời lãi từ nơi anh em người Do Thái dân mình, ấy là nghịch với điều lệ trong Luật Pháp, bởi vậy ông đâu có dám làm gì.

Nhưng Chúa Giê-su muốn giảng dạy ta điều gì qua ví dụ này?

Trong tiết 8 của ví dụ trên, Lu-ca 16:8: “Người chủ khen quản lý bất nghĩa ấy vì người đã làm việc khôn ngoan. Vì con cái của đời này trong việc đối xử với kẻ đương thời với mình thì khôn ngoan hơn con cái của sự sáng.”

Chúa Giê-su nói rằng người quản lý này là bất nghĩa, tại vì người đã lãng phí tài sản của ông chủ. Lẽ dĩ nhiên Chúa Giê-su không phải bảo chúng ta bắt chước hành động bất nghĩa của người này. Nhưng Chúa nói người quản lý này làm việc khôn ngoan. Vậy chúng ta phải bắt chước sự khôn ngoan của người.

Nhưng sự khôn ngoan của người là ở đâu?

Căn cứ theo lời dạy trong Kinh Thánh, khôn ngoan không phải là thông minh lanh lẹ. Khôn ngoan trong Kinh Thánh là kính sợ Chúa Trời Gia-vê và vâng phục Ngài.

Châm Ngôn 3:7 7 Chớ khôn ngoan theo mắt mình, những hãy kính sợ Đức Gia-vê và tránh điều ác.

Đoạn Kinh Thánh trên dạy rằng chúng ta chớ tự hào rằng ta đây là thông minh tài giỏi, ấy chỉ là khôn ngoan theo mắt mình thôi. Một người khôn ngoan thật sự theo mắt của Chúa Trời Gia-vê là một người kính sợ Ngài và tránh điều ác.

Ma-thi-ơ 7:24 24 “Bởi vậy, ai nghe lời ta dạy và làm theo, thì ví như một người khôn ngoan xây nhà mình trên hòn đá.”

Chúa Giê-su dạy rằng ai nghe lời Chúa dạy và làm theo thì là một người khôn ngoan. Người này tựa như xây nhà trên một nền tảng vững mạnh của hòn đá, căn nhà sẽ không bao giờ sụp đổ. Tại vì Chúa Trời Gia-vê ngự trong Chúa Giê-su và phán truyền qua Chúa, cho nên vâng giữ lời của Chúa Giê-su tức là vâng giữ lời của Chúa Trời Gia-vê.

Bây giờ ta thấy sự khôn ngoan của người quản lý này. Trước kia khi ông chủ lấy lời lãi nơi anh am người Y-sơ-ra-ên, người quản lý chắc đã giúp ông chủ rất nhiều trong những chuyện này, mà đó là nghịch với Luật Pháp. Khi người biết rằng mình sắp bị cách chức thì người ngay lập tức tìm cách đền bù lại những tội lỗi của mình. Người trừ bớt số lượng lời lãi trong tờ khế, ấy là vâng phục lời của Chúa Trời Gia-vê.

Trong câu Kinh Thánh Lu-ca 16:9, Chúa Giê-su nói rằng: “Còn ta nói cho các ngươi: ‘Hãy sử dụng tiền của bất nghĩa mà kết bạn, để khi tiền của ấy cạn đi thì họ sẽ tiếp các ngươi vào nhà ở đời đời.’”

Tại vì ông chủ làm những chuyện nghịch với Luật Pháp, tiền của đó là bất nghĩa. Bây giờ người quản lý sử dụng tiền của bất nghĩa đó để kết bạn với những con nợ. Ấy là một hành động rất khôn ngoan. Tiền của đó chẳng những là bất nghĩa, mà sắp cạn đi nữa, tại vì người sẽ bị cách chức. Cho nên người sử dụng tiền của đó để lo liệu cho tương lai của mình.

Tiền bạc ta có hiện giờ cũng là do ân điển của Chúa Trời ban cho ta, nhưng tiền bạc đó sẽ qua đi. Khi chúng ta lìa khỏi thế gian này, tất cả gia tài ta kiếm được đều phải để lại, ta không thể đem tiền bạc đi cùng với ta.

Chẳng những tiền tài sẽ qua đi, mà cả ân tứ Chúa Trời ban cho ta cũng có thể qua đi. Tôi bắt đầu phụng sự trong việc phiên dịch từ hai mươi mấy năm về trước. Trong buổi thờ phượng Chúa Nhật, giảng viên thường giảng luận bằng tiếng Anh, trong hội thánh có một vài người bác già cả không biết tiếng Anh, tôi phải phiên dịch cho họ. Hồi đó tôi còn trẻ, tôi có thể phiên dịch vừa nhanh vừa chính xác, các người bác đều thích lắm. Nhưng ngày nay, thân thể tôi yếu rồi, đầu óc cũng trở nên chậm chạp, tôi không thể phiên dịch nhanh như trước kia nữa, và nhiều khi tôi quên mất những từ ngữ, tôi nói không ra. Chính ân tứ phiên dịch mà Chúa Trời ban cho tôi cũng dần dần qua đi. Nhưng tôi đã sử dụng ân tứ này để phụng sự Ngài, tôi giúp đỡ các người bác già cả hiểu được lời dạy của Ngài. Công việc tôi làm không bao giờ qua đi được, thành tích đó đã ghi trên nước Thiên Đàng mãi mãi, không bao giờ mai một.

Ngày nay tôi truyền giảng Tin Lành trên mạng, tôi hết lòng hết sức hết trí góp công vào công trình cứu chuộc người đời. Sau này cho dù tôi già cả rồi chết đi, nhưng thành tích tôi làm sẽ tồn tại đời đời. Đó là sử dụng một cách khôn ngoan những ân tứ Chúa Trời ban cho mình.

Bây giờ chúng ta tổng kết lại tất cả những điểm ta vừa tra khảo ở trên. Đức tính đầu tiên của một người quản lý tốt là khôn ngoan. Khôn ngoan có nghĩa là kính sợ Chúa Trời và vâng theo lời của Ngài. Một người quản lý tốt của Chúa Trời thì phải sử dụng các thứ ân điển của Ngài (kể cả tiền bạc) một cách khôn ngoan, có nghĩa là sử dụng trong các công việc vĩnh cửu của nước Chúa Trời và sử dụng theo đúng ý chỉ của Ngài.

Người Quản Lý Phải Trung Tín

1 Cô-rinh-tô 4:2 2 Vả lại, điều người ta trông mong nơi người quản lý là trung tín.

Đức tính thứ hai của một người quản lý là phải trung tín. Một người quản lý trung tín là như thế nào?

Trong tiết 10 của ví dụ trên, Lu-ca 16:10: “10 Ai trung tín trong việc rất nhỏ thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất nghĩa trong việc rất nhỏ thì cũng bất nghĩa trong việc lớn.”

Chúa Giê-su dạy rằng ta phải trung tín trong tất cả mọi việc Chúa Trời giao phó cho ta, cho dù việc lớn hay việc nhỏ. Ai trung tín trong việc rất nhỏ thì cũng trung tín trong việc lớn; ai bất nghĩa trong việc rất nhỏ thì cũng bất nghĩa trong việc lớn. Ở đây Chúa chỉ ra rằng trung tín là trái ngược với bất nghĩa.

Trong ví dụ của người quản lý, người là bất nghĩa tại vì người đã lãng phí tiền tài của ông chủ. Vậy một người quản lý trung tín thì không nên lãng phí tiền tài của ông chủ. Chúng ta là người quản lý các ân điển của Chúa Trời, chúng ta không nên lãng phí ân điển của Ngài.

Ma-thi-ơ 25:14 – 30. 14 “Nước Thiên Đàng sẽ giống như một người kia sắp đi xa nên gọi các tôi tớ lại để giao tài sản mình cho họ. 15 Chủ giao cho người nầy năm ta-lâng, người kia hai ta-lâng, người nọ một ta-lâng, tùy theo khả năng của mỗi một người; rồi chủ lên đường. 16 Người đã nhận lãnh năm ta-lâng lập tức đi buôn bán và làm lợi được năm ta-lâng nữa. 17 Người đã nhận lãnh hai ta-lâng cũng vậy, làm lợi được hai ta-lâng nữa. 18 Nhưng người chỉ nhận lãnh một ta-lâng thì đi đào lỗ dưới đất mà giấu tiền của chủ. 19 Sau đó khá lâu, chủ của những tôi tớ ấy trở về tính sổ với họ. 20 Người đã nhận lãnh năm ta-lâng đến và đem năm ta-lâng khác nữa thưa rằng: “Thưa chúa, chúa đã cho tôi năm ta-lâng; đây nầy, tôi đã làm lợi được năm ta-lâng nữa.” 21 Chủ nói với người rằng: “Hỡi tôi tớ ngay lành trung tín kia, được lắm; ngươi đã trung tín trong vài việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi cai quản nhiều việc; hãy đến vào sự vui mừng của chúa ngươi.” 22 Người đã nhận lãnh hai ta-lâng cũng đến và thưa rằng: “Thưa chúa, chúa đã cho tôi hai ta-lâng; đây nầy, tôi đã làm lợi được hai ta-lâng nữa.” 23 Chủ nói với người rằng: “Hỡi tôi tớ ngay lành trung tín kia, được lắm; ngươi đã trung tín trong vài việc nhỏ, ta sẽ lập ngươi cai quản nhiều việc; hãy đến vào sự vui mừng của chúa ngươi.” 24 Người đã nhận lãnh một ta-lâng cũng đến và thưa rằng: “Thưa chúa, tôi biết chúa là người nghiêm ngặt, gặt trong chỗ mình không gieo và thu trong chỗ mình không rải, 25 tôi sợ và đi giấu ta-lâng của chúa ở dưới đất; đây nầy, vật của chúa xin trả lại cho chúa.” 26 Nhưng chủ đáp rằng: “Hỡi tôi tớ gian ác và lười biếng kia, ngươi biết ta gặt trong chỗ ta không gieo, và thu trong chỗ ta không rải, 27 vậy thì ngươi phải giao tiền bạc của ta cho ngân hàng, rồi khi ta trở về ta sẽ nhận được cả vốn và lời. 28 Vậy, các ngươi hãy lấy ta-lâng của người nầy đi mà cho kẻ có mười ta-lâng. 29 Vì kẻ nào đã có thì sẽ được cho thêm, và người sẽ được dư dật; nhưng kẻ nào không có, thì ngay cái đang có cũng bị cất đi luôn. 30 Còn tên tôi tớ vô dụng kia, hãy quăng nó ra chỗ tối tăm bên ngoài; ở đó sẽ có khóc lóc và nghiến răng.”

Trong ví dụ này, Chúa Giê-su không phải nói rằng Tín Đồ Cơ Đốc thì phải đi buôn bán để làm lợi rất nhiều tiền để dâng lên cho Chúa. Chúa không muốn tiền bạc của ta, điều mà Chúa muốn là một tấm lòng trung tín với Chúa Trời Gia-vê. Ở đây Chúa chỉ là dùng tiền bạc để làm ví dụ thôi. Trước khi đi xa, người chủ gọi 3 người tôi tớ đến và giao cho mỗi một người một số tiền bạc. Những món tiền bạc đó là tượng trưng cho những ân tứ mà Chúa đã ban cho ta.

Người tôi tớ thứ nhất nhận được 5 ta-lâng, người dùng cả 5 ta-lâng vào việc buôn bán và lời được 5 ta-lâng khác. Người tôi tớ thứ nhì nhận được 2 ta-lâng, người cũng dùng cả 2 ta-lâng vào việc buôn bán và lời được 2 ta-lâng khác. Hai người tôi tớ này đều dùng 100% số tiền chủ giao cho để làm buôn bán và đều lời được 100%; khi người chủ trở về, họ đều được người chủ khen ngợi là trung tín.

Vậy một người quản lý trung tín của Chúa Trời thì nên sử dụng 100% các ân tứ để phụng sự Ngài, ta không giữ lại một chút gì cho riêng mình. Tất cả những gì ta có, cuộc sống, tài năng, tiền tài v.v., đều do Chúa Trời ban cho, ta nên hiến dâng lại tất cả những gì ta có cho Ngài để Ngài sử dụng trong công việc của Ngài.

Thí dụ: Trước kia chồng tôi và tôi vốn làm việc kiếm tiền ở Canada. Chồng tôi là kỹ sư điện tử, tôi là phân tích viên máy điện toán (Computer analyst / programmer). Chúng tôi sống một cuộc đời sung sướng hưởng thụ. Về sau chúng tôi thấy rằng mình không nên dùng tài năng và thời gian của mình để kiếm tiền làm giàu cho riêng mình, mà chúng tôi nên hiến dâng cuộc đời của mình để phụng sự Chúa Trời. Cho nên vào năm 1989 chúng tôi từ chức và rời khỏi Canada, chúng tôi đi truyền giảng Tin Lành của Chúa Trời Gia-vê tại nhiều nơi trên thế giới. Đó là sử dụng ân điển của Chúa Trời một cách trung tín.

Tôi không phải nói rằng mỗi một người Tín Đồ Cơ Đốc đều phải từ chức và đi rao truyền Tin Lành. Đi rao truyền Tin Lành là tùy thuộc vào ân tứ và kêu gọi của Chúa Trời. Chúa Trời đã ban cho chồng tôi và tôi ân tứ để rao truyền Tin Lành, nếu chúng tôi không sử dụng ân tứ đó mà cứ đi kiếm tiền làm giàu, thì chúng tôi đã lãng phí ân điển của Chúa Trời.

Nhưng mỗi một người Tín Đồ Cơ Đốc đều được ban cho một hay nhiều ân tứ. Bất cứ ân tứ gì ta nhận được, ta phải sử dụng 100% ân tứ đó để hầu việc Chúa Trời.

Lãng phí ân điển của Chúa Trời là tội lỗi nghiêm trọng lắm. Trong đoạn Kinh Thánh trên Ma-thi-ơ 25:14 – 30, Chúa Giê-su dạy rằng kết cục của một người tôi tớ vô dụng là bị quăng ra ngoài chỗ tối tăm, ở đó sẽ có khóc lóc và nghiên răng (Xin đọc bài giảng “Nô Lệ Của Công Nghĩa (2)” để hiểu rõ ý nghĩa của ví dụ này).

Lòng Ham Mê Tiền Bạc

Sau cùng ta phải để ý một điều, đó là tấm lòng ham mê tiền bạc.

Trong tiết 13 của ví dụ người quản lý Lu-ca 16:13: “Không có đầy tớ nào có thể hầu việc hai người chủ, vì người sẽ ghét chủ này mà yêu chủ kia, hoặc hiến mình cho chủ này mà khinh dể chủ kia. Các ngươi không thể vừa làm nô lệ Chúa Trời lại vừa làm nô lệ ma-môn (tức là tiền bạc) nữa.”

Chúa Giê-su dạy rằng ta không thể vừa yêu tiền bạc lại vừa yêu Chúa Trời; nếu ta yêu tiền bạc, thì ta sẽ ghét Chúa Trời. Nếu ta ghét Chúa Trời, thì lẽ dĩ nhiên ta không thể phụng sự Ngài, ta sẽ là một người quản lý ngu dại và bất nghĩa.

1 Ti-mô-thê 6:10. 10 Lòng ham mê tiền bạc là gốc rễ của mọi điều ác; có người vì đeo đuổi tiền bạc mà lìa bỏ đức tin, và bản thân họ bị nhiều nỗi đau khổ xâu xé.

Lòng ham mê tiền bạc là cực kỳ nguy hiểm, Giu-đa là một trong mười hai sứ đồ của Chúa Giê-su đã phản nghịch lại Chúa, chỉ vì 30 bạc mà nó nộp Chúa cho những thầy tế lễ cả. Chúng ta phải cẩn thận, đừng bao giờ yêu tiền bạc.

Kết Luận

Hôm nay chúng ta đã tra khảo danh hiệu “Người quản lý”. Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta là người quản lý của ân điển của Chúa Trời. Ngài đã ban cho chúng ta các thứ ân tứ, ta phải sử dụng các ân tứ đó để hầu việc lẫn nhau, để cho Chúa Trời được vinh diệu bởi Chúa Giê-su Christ.

Người quản lý tốt của Chúa Trời cần phải có hai đức tính sau đây:

  • Đầu tiên là khôn ngoan: Chúng ta phải sử dụng ân điển của Chúa Trời trong các công việc vĩnh cửu của nước Chúa Trời và phải sử dụng theo đúng ý chỉ của Ngài.
  • Thứ hai là trung tín: Chúng ta không nên lãng phí ân điển của Chúa Trời, ta không nên sử dụng ân điển của Ngài cho lợi ích riêng của mình. Ta sử dụng hết thảy các ân điển để phụng sự Chúa Trời.

Chúng ta phải cẩn thận, đừng bao giờ ham mê tiền bạc. Lòng ham mê tiền bạc là gốc rễ của mọi điều ác. Nếu chúng ta yêu tiền bạc, thì ta sẽ ghét Chúa Trời; tiền bạc sẽ khiến ta lìa bỏ đức tin và làm cho bản thân mình đau khổ xâu xé.

Ma-thi-ơ 24:45 45 Ai là nô lệ trung tín và khôn ngoan mà người chủ giao phó cai quản các đầy tớ mình để cấp phát đồ ăn cho họ đúng giờ?

Nếu chúng ta là người nô lệ trung tín và khôn ngoan thì sẽ được người chủ giao phó chức vụ cao hơn, ta sẽ cai quản các đầy tớ trong gia đình để cấp phát đồ ăn cho họ đúng giờ. Trong nước Thiên Đàng, kẻ trên hầu việc kẻ dưới, người lớn nhất là đầy tớ hầu hạ mọi người.

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church