You are here

Những Ví Dụ Trong Kinh Thánh (3)

Những Ví Dụ Trong Kinh Thánh (3)

Ví Dụ Của Cỏ Lồng Vực

Ma-thi-ơ 13:24-30, 36-43

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Trong hai kỳ vừa rồi chúng ta đã tra khảo “Ví dụ của người gieo giống (1) & (2)”, hôm nay chúng ta tra khảo một ví dụ khác: “Ví dụ của cỏ lồng vực”

Ma-thi-ơ 13:24-30 24 Chúa Giê-su kể cho họ một ví dụ khác: “Nước Thiên Đàng ví như một người kia gieo giống tốt trong ruộng mình. 25 Nhưng đang khi người ta ngủ, thì kẻ thù của người đến và gieo cỏ lồng vực vào trong lúa mì rồi đi. 26 Nhưng khi lúa mì lớn lên và kết hạt, thì cỏ lồng vực cũng xuất hiện. 27 Các đầy tớ của chủ nhà bèn đến thưa rằng: “Thưa chủ, chủ chẳng gieo giống tốt trong ruộng của chủ sao? Tại sao lại có cỏ lồng vực?” 28 Chủ đáp rằng: “Một kẻ thù đã làm điều đó.” Các đầy tớ thưa rằng: “Vậy chủ có muốn chúng tôi đi nhổ cỏ đó chăng?” 29 Chủ nói rằng: “Không nên, e rằng khi nhổ cỏ lồng vực thì các ngươi sẽ nhổ cả gốc lúa đi. 30 Cứ để cả hai thứ cùng lớn lên cho đến mùa gặt. Đến mùa gặt, ta sẽ dặn thợ gặt rằng: “Trước hết hãy nhổ cỏ lồng vực và bó lại từng bó để đốt đi; nhưng hãy thâu trữ lúa mì vào kho ta.””

Lời Giải Thích Của Chúa Giê-su Về Ví Dụ Này

Chính Chúa Giê-su đã giải thích ví dụ này, cho nên chúng ta không cần phải tra khảo Kinh Thánh để tìm hiểu vật này tượng trưng cho cái gì, vật kia tượng trưng cho cái gì. Nhưng kỳ trước tôi đã bảo các bạn rồi, Chúa Giê-su chỉ giải thích cho ta hai ví dụ thôi, đây là cái ví dụ thứ hai, đến ví dụ thứ ba thì chúng ta phải tự mình đi tìm hiểu ý nghĩa của từng chữ trong ví dụ.

Lời giải thích của Chúa Giê-su là nằm ngay trong đoạn Kinh Thánh kế tiếp.

Ma-thi-ơ 13:36-43 36 Rồi Chúa Giê-su rời khỏi đám đông và đi vào nhà. Các môn đồ đến gần mà hỏi rằng: “Xin thầy giải thích cho chúng tôi ví dụ về cỏ lồng vực trong ruộng.” 37 Chúa đáp rằng: “Kẻ gieo giống tốt là Con của loài người; 38 ruộng là thế gian; giống tốt là con cái của nước Thiên Đàng; cỏ lồng vực là con cái của quỉ dữ; 39 kẻ thù gieo cỏ ấy là ma quỉ; mùa gặt là ngày tận thế; thợ gặt là các thiên sứ. 40 Bởi vậy người ta nhổ cỏ lồng vực mà đốt trong lửa thể nào, thì ngày tận thế cũng sẽ như vậy. 41 Con của loài người sẽ sai các thiên sứ của người đi thâu hết thảy những kẻ khiến người ta vấp ngã và những kẻ làm ác khỏi nước của người, 42 và quăng chúng vào lò lửa, là nơi sẽ có khóc lóc và nghiến răng. 43 Bấy giờ những người công nghĩa sẽ chiếu sáng như mặt trời trong nước của Cha mình. Ai có tai, hãy lắng nghe!”

Trong đoạn Kinh Thánh trên, Chúa Giê-su giải thích rằng người gieo giống tốt là tượng trưng cho Con của loài người tức là chính Chúa Giê-su. Xin các bạn để ý, trong bốn quyển sách Tin Lành: Tin Lành theo Ma-thi-ơ, Tin Lành theo Mác, Tin Lành theo Lu-ca và Tin Lành theo Giăng, Chúa Giê-su tự xưng mình là “Con của loài người”, chứ không phải là “Con của Chúa Trời”! Các bạn chắc ngạc nhiên lắm, phải không?

Quả thật trong bốn quyển sách Tin Lành, người khác gọi Chúa Giê-su là “Con của Chúa Trời”, nhưng Chúa không có tuyên bố hay tự xưng mình là “Con của Chúa Trời”! Tại sao vậy?

Ma-thi-ơ 16:15-17 15 Chúa nói với chúng rằng: “Còn các ngươi thì cho rằng ta là ai?” 16 Si-môn Phi-ơ-rơ thưa rằng: “Thầy là đấng Christ, Con của Chúa Trời hằng sống.” 17 Chúa Giê-su nói với người rằng: “Phước cho ngươi, Si-môn con Giô-na! Vì không phải xác thịt và huyết tỏ cho ngươi điều này, mà chính là Cha ta ở trên trời vậy.”

Trong đoạn Kinh Thánh này, Chúa Giê-su hỏi các môn đồ họ nghĩ rằng Chúa là ai, Si-môn Phi-e-rơ nói một cách khẳn định rằng Chúa chính là đấng Christ, Con của Chúa Trời hằng sống. Rồi Chúa nói rằng ấy không phải xác thịt và huyết nói cho người biết điều này. Từ ngữ “xác thịt và huyết” trong Kinh Thánh có nghĩa là loài người, vậy không phải loài người nói cho Si-môn Phi-e-rơ biết điều này. Mà Chúa Giê-su là Con của loài người, cho nên cả Chúa Giê-su cũng không có nói cho Phi-e-rơ biết điều này, nhưng chính là Đức Cha ở trên trời khải thị cho Si-môn Phi-e-rơ vậy.

Tại vì Chúa Giê-su muốn cho đức tin của ta đối với Chúa là hoàn toàn dựa trên khải thị của Chúa Trời, có nghĩa là khi chúng ta tin rằng Chúa quả thật là Con của Chúa Trời, ấy là tại vì Chúa Trời đã khải thị cho ta biết, chứ không phải tại vì người ta đã thuyết phục chúng ta tin rằng Chúa Giê-su là Con của Chúa Trời. Cho nên Chúa Giê-su không có nói ra trực tiếp rằng mình là Con của Chúa Trời.

Ma-thi-ơ 26:62-64 62 Thầy cả thượng phẩm bèn đứng dậy mà nói với Chúa rằng: “Những người này làm chứng mà kiện ngươi, ngươi không đáp lại sao?” 63 Nhưng Chúa Giê-su cứ im lặng. Thầy cả thượng phẩm lại nói với Chúa rằng: “Nhân Danh Chúa Trời hằng sống ta truyền lệnh cho ngươi, hãy nói cho chúng ta biết ngươi có phải lả đấng Christ, Con của Chúa Trời chăng?” 64 Chúa Giê-su nói rằng: “Chính ngươi đã nói vậy; vả lại, ta nói cùng các ngươi, về sau các ngươi sẽ thấy Con của loài người ngồi bên hữu của Đấng quyền năng, và ngự trên mây từ trời mà xuống.”

Đoạn Kinh Thánh trên thuật lại tình hình Chúa Giê-su bị tòa công luận và bọn thầy tế lễ xét xử. Đám người này tìm chứng dối vu cáo Chúa Giê-su để xử tử Chúa, nhưng họ không tìm được gì cả. Và Chúa cứ giữ im lặng không nói một câu. Sau cùng có hai người đứng ra vu cáo rằng Chúa Giê-su tuyên bố sẽ phá Đền Thờ của Chúa Trời rồi xây lại trong 3 ngày. Nhưng Chúa vẫn giữ im lặng không biện hộ cho mình. Rốt cuộc thầy tế lễ thượng phẩm nói rằng: “Nhân Danh Chúa Trời hằng sống ta truyền lệnh cho ngươi, hãy nói cho chúng ta biết ngươi có phải lả đấng Christ, Con của Chúa Trời chăng?” Tại vì thầy tế lễ thượng phẩm nhân Danh của Chúa Trời mà ra lệnh, cho nên Chúa Giê-su không giữ im lặng nữa, Chúa nói rằng: “Chính ngươi đã nói vậy”. Nhưng Chúa vẫn không muốn nói ra trực tiếp rằng mình là “đấng Christ, Con của Chúa Trời”. Ngay lập tức Chúa nói tiếp rằng: “về sau các ngươi sẽ thấy Con của loài người ngồi bên hữu của Đấng quyền năng, và ngự trên mây từ trời mà xuống.” Chúa lại tự xưng mình là “Con của loài người”.

Qua hai đoạn Kinh Thánh trên, ta thấy rằng Chúa Giê-su không nói ra trực tiếp rằng mình là Con của Chúa Trời tại vì Chúa muốn cho đức tin của ta về Chúa là hoàn toàn dựa trên khải thị của Chúa Trời chứ không phải dựa trên lời nói của bất cứ một người nào cả.

Nói tóm lại, người gieo giống tốt là tượng trưng cho Con của loài người, vậy chính Chúa Giê-su gieo giống tốt trong ruộng. Mà ruộng là tượng trưng cho thế gian này, và giống tốt là tượng trưng cho con cái của nước Thiên Đàng.

Con cái của nước Thiên Đàng là hạng người nào? Có người sẽ nói rằng: “Con cái của nước Thiên Đàng thì chắc là Tín Đồ Cơ Đốc.” Hỡi các bạn ơi, không phải đơn giản như vậy đâu!

Giăng 1:12 12 Nhưng hễ ai đã nhận Ngài, thì Ngài ban cho quyền năng để trở thành con cái của Chúa Trời, là ban cho những kẻ tin vào danh Ngài,

Chữ “Ngài” ở đây là chỉ về Chúa Trời Đức Gia-vê. Căn cứ theo câu Kinh Thánh này, “hễ ai đã nhận Ngài” chính là “kẻ tin vào danh Ngài”. Vậy những người nhận Chúa Trời Đức Gia-vê tức là những người tin vào danh của Ngài, thì Ngài ban cho quyền năng để trở thành con cái của Ngài.

Tôi thường nói rằng đức tin chân chính trong Kinh Thánh luôn luôn bao gồm sự vâng phục, chứ không phải chỉ là tin tưởng trong đầu óc thôi (Xin đọc bài giảng “Con Cái Của Chúa Trời” để hiểu rõ hơn về điểm này).

Bởi vậy con cái của nước Thiên Đàng là những người tin vào Chúa Trời Đức Gia-vê và vâng phục lời dạy của Ngài, chứ không phải hễ người nào mang danh là Tín Đồ Cơ Đốc đều là con cái của nước Thiên Đàng.

Sau khi gieo giống tốt rồi, người ta đang ngủ thì có kẻ thù đến gieo cỏ lồng vực vào trong lúa mì. Kẻ thù nghịch đó là tượng trưng cho ma quỉ, còn cỏ lồng vực là tượng trưng cho con cái của quỉ dữ.

Giống tốt của lúa mì và giống của cỏ lồng vực trộn lẫn với nhau, tình hình này là tương đương với những Tín Đồ chân chính của Chúa Giê-su thì sống ở giữa con cái của ma quỉ. Khi lúa mì lớn lên và trổ bông thì cỏ lồng vực cũng lòi ra, tương đương với khi các Tín Đồ chân chính dần dần trưởng thành thì những con cái của ma quỉ cũng lớn lên cùng một lượt.

Các đầy tớ của chủ ruộng tức là những người truyền giảng Tin Lành của Chúa Trời. Khi các đầy tớ thấy cỏ lồng vực mọc lên giữa lúa mì, họ đi hỏi người chủ rằng cỏ lồng vực ở đâu mà có. Người chủ cho họ biết ấy là kẻ thù nghịch làm chuyện này. Các đầy tớ hỏi người chủ có nên nhổ cỏ lồng vực ra không, thì người chủ bảo họ chẳng nên, tại vì nếu nhổ cỏ lồng vực ra bây giờ thì họ sẽ nhổ cả lúa mì ra luôn. Người chủ bảo hãy chờ đến mùa gặt, lúc ấy người chủ sẽ dặn những thợ gặt trước hết đi nhổ cỏ lồng vực ra và bó lại từng bó mà đốt đi, sau đó mới thâu trữ lúa mì vào kho tàng. Những thợ gặt là tượng trưng cho các thiên sứ, và mùa gặt là tượng trưng cho ngày tận thế.

Mà ngày tận thế là cái gì?

Ma-thi-ơ 24:3 3Chúa đang ngồi trên núi Ô-li-ve, các môn đồ tới riêng cùng Chúa và nói rằng: “Xin Chúa nói cho chúng tôi biết khi nào những sự đó sẽ xảy ra, và có dấu hiệu gì chỉ về sự Chúa đến và tận thế?”

Xin các bạn để ý vào những chữ này: “có dấu hiệu gì chỉ về sự Chúa đến và tận thế?”. Ngày Chúa Giê-su đến và ngày tận thế là dính liền với nhau.

Ngày tận thế hay còn gọi là ngày cuối cùng của thế gian là ngày Chúa Giê-su trở về thế gian. Hiện giờ Chúa Giê-su đã thăng lên trời rồi, Chúa đang ngồi ở bên hữu của Chúa Trời Đức Gia-vê. Trong tương lai Chúa sẽ trở về, lúc đó Chúa sẽ cai quản thế gian này, Chúa sẽ trừng phạt những kẻ tội lỗi gian ác và ban sự sống đời đời cho những người công nghĩa.

Giăng 6:40 40 Vì đây là ý chỉ của Đức Cha ta, người nào nhìn vào Con và tin vào Con, thì được sự sống đời đời, và chính ta sẽ làm cho người ấy sống lại vào ngày cuối cùng.”

Nhưng chừng nào mới là ngày cuối cùng?

Ma-thi-ơ 24:14 14 Tin Lành về nước Chúa Trời sẽ được truyền giảng khắp thế giới để làm chứng cho muôn dân, rồi bấy giờ sự cuối cùng sẽ đến.

Một khi Tin Lành về nước Chúa Trời được truyền giảng khắp cả thế giới hầu cho mọi người đều có dịp nghe giảng về Tin Lành, thì Chúa Giê-su sẽ trở về, đó chính là ngày cuối cùng của thế gian này (Xin đọc bài giảng “Liên Hệ Giữa Sự Sống Đời Đời Hiện Bây Giờ Và Sự Sống Đời Đời Trong Tương Lai” để hiểu rõ về những chi tiết).

Khi Chúa Giê-su trở về thì Chúa sẽ sai các thiên sứ đi thâu hết thảy những kẻ khiến người ta vấp ngã và những kẻ đã phạm tội ác khỏi nước của Chúa, rồi quăng họ vào lửa mà đốt đi tựa như những thợ gặt nhổ ra cỏ lồng vực bó lại từng bó mà đốt. Còn những người Tín Đồ chân chính sẽ chiếu sáng như mặt trời trong nước của Cha mình.

Hiện Giờ Có Nhiều Con Cái Của Ma Quỉ Ở Trong Hội Thánh

Sau khi chúng ta đã hiểu được ý nghĩa của ví dụ này rồi, các bạn nghĩ rằng hiện giờ những con cái của ma quỉ là ở đâu? Có nhiều người sẽ nghĩ rằng con cái của ma quỉ là ở thế gian. Hỡi các bạn ơi, căn cứ theo lời giải thích của Chúa Giê-su thì hiện giờ có nhiều con cái của ma quỉ ở trong Hội Thánh! Các bạn chắc kinh ngạc lắm, phải không?

Xin các bạn đọc kỹ câu Kinh Thánh Ma-thi-ơ 13:41: “ Con của loài người sẽ sai các thiên sứ của người đi thâu hết thảy những kẻ khiến người ta vấp ngã và những kẻ làm ác khỏi nước của người.” Vào ngày tận thế, những con cái của ma quỉ sẽ bị loại ra khỏi nước của Chúa Giê-su. Vậy có nghĩa là họ đang ở trong nước của Chúa Giê-su cho nên Chúa mới sai các thiên sứ loại họ ra khỏi nước của Chúa, nếu họ không phải ở trong nước của Chúa thì không cần phải loại họ ra khỏi nước của Chúa, phải không? Nước của Chúa Giê-su tức là Hội Thánh, bởi vậy hiện giờ có nhiều con cái của ma quỉ đang ở trong Hội Thánh.

Con của loài người gieo giống tốt trong ruộng. Giống tốt là con cái của nước Thiên Đàng, ruộng là thế gian. Chúa Giê-su gieo những Tín Đồ chân chính vào thế gian với mục đích là để cho những Tín Đồ này rao truyền Tin Lành làm chứng cho muôn dân trên thế gian.

Còn ma quỉ cũng gieo con cái của nó vào thế gian ở giữa những Tín Đồ chân chính. Ma quỉ có một kế hoạch rất độc ác:

  • Những con cái của ma quỉ có thể gây ảnh hưởng xấu xa ở giữa các Tín Đồ thơ ấu, rồi khiến những Tín Đồ này vấp ngã phạm tội.
  • Tại vì những con cái của ma quỉ là ở trong Hội Thánh, khi những tên này sống một cuộc sống phóng đãng tội ác thì người đời sẽ nghĩ rằng Tín Đồ Cơ Đốc phạm tội lỗi trầm trọng, người đời sẽ khinh thường Hội Thánh, Danh của Chúa Trời Đức Gia-vê bị làm nhục, công việc rao truyền Tin Lành cho muôn dân bị cản trở.

Có người sẽ hỏi rằng: “Những con cái của ma quỉ gây ra những tai hại lớn như vậy, tại sao hiện giờ Chúa Giê-su không tiêu diệt họ?” Vâng, bây giờ tôi sẽ giải thích thắc mắc này từng bước một.

Con Cái Của Nước Thiên Đàng Và Con Cái Của Ma Quỉ Khác Nhau Thế Nào?

Đầu tiên chúng ta phải tìm hiểu con cái của ma quỉ là hạng người như thế nào? Ta biết rằng con cái của nước Thiên Đàng là những người tin vào Chúa Giê-su và vâng phục lời dạy của Chúa, vậy con cái của ma quỉ có phải là những người tuy có đi dự lễ trong Hội Thánh nhưng lại không chịu tin vào Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su và không muốn chịu phép báp-tem chăng? Có phải những người như vậy thì trở thành con cái của ma quỉ trong Hội Thánh chăng?

Hỡi các bạn ơi, không phải đơn giản như vậy đâu! Xin các bạn hãy nhớ rằng những người này là ở trong nước của Chúa Giê-su, nếu họ không tin vào Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su thì họ không phải ở trong nước của Chúa. Nếu họ là những người tuy có đi dự lễ tại Hội Thánh nhưng lại không chịu tin vào Chúa Giê-su và không muốn chịu phép báp-tem thì họ vẫn ở ngoài nước của Chúa. Bởi vậy những người này đã tin vào Chúa Trời và Chúa Giê-su và đã chịu phép báp-tem rồi, nhưng họ lại là con cái của ma quỉ!

Vậy giữa con cái của nước Thiên Đàng và con cái của ma quỉ có cái gì khác nhau ? Làm sao mà ta biết được ai là con cái của nước Thiên Đàng và ai là con cái của ma quỉ?

Muốn trả lời câu hỏi này thì chúng ta phải tìm hiểu về cỏ lồng vực và lúa mì. Cỏ lồng vực không phải là cỏ dại. Cỏ dại thì rất khác biệt với lúa mì, người ta có thể phân biệt được cỏ dại và lúa mì một cách dễ dàng. Nhưng cỏ lồng vực thì không phải như vậy.

Nguyên văn Hy-lạp của cỏ lồng vực là “ζιζάνιον” (đọc là gi-gian-ni-ôn), một vài Kinh Thánh Việt ngữ dịch là “cỏ lùng”, nhưng tên thực vật học là “cỏ lồng vực”, cho nên tôi dịch là “cỏ lồng vực”. Cỏ lồng vực thường mọc ở giữa lúa mì, và hình dạng của nó cũng giống như lúa mì. Bởi vậy khó mà phân biệt được lúa mì với cỏ lồng vực.

Có những nhà thực vật học cho rằng cỏ lồng vực thật ra là một loại lúa mì đặc biệt, nó chẳng những là giống như lúa mì, mà khi nó trưởng thành nó cũng mang nhiều hột lúa nữa. Hột lúa của cỏ lồng vực và hột lúa của lúa mì ở bề ngoài cũng không khác nhau bao nhiêu, nhưng ở bên trong thì rất khác biệt: Tại vì hột lúa của cỏ lồng vực có độc! Nếu người ta ăn phải hột lúa của cỏ lồng vực thì sẽ bị đau bụng, ói mửa, chóng mặt, có người bị đau nặng đến nỗi bị tê liệt, hoặc chết đi.

Tại vì lúa mì và cỏ lồng vực mọc lẫn với nhau, hình dạng của họ giống nhau, và hột lúa của họ ở bề ngoại cũng giống nhau nữa, nếu người nông dân không cẩn thận mà để cho hột lúa của cỏ lồng vực trộn lẫn với hột lúa của lúa mì rồi làm thành bột mì thì bột mì đó có độc, người ta ăn vào sẽ mắc bịnh, không chừng có người sẽ chết đi. Thông thường những người nông dân giàu kinh nghiệm mới có thể phân biệt được cỏ lồng vực và lúa mì, đến mùa gặt họ phải nhổ cỏ lồng vực ra bó lại và đốt đi giống như câu chuyện trong ví dụ trên vậy.

Con cái của nước Thiên Đàng được so với lúa mì, và con cái của ma quỉ được so với cỏ lồng vực, vậy hai hạng người này ở bề ngoài thì không có khác nhau bao nhiêu, nếu người ta chỉ nhìn vào bề ngoài thì thấy họ giống nhau. Họ đều tin vào Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su, đều chịu phép báp-tem, đều đi dự lễ trong Hội Thánh mỗi Chúa Nhật, họ đều tham dự tiệc thánh, họ đều tham gia vào những hoạt động trong Hội Thánh v.v. Nhưng khi họ kết quả thì quả của họ rất khác nhau.

Những con cái của nước Thiên Đàng mang quả của Thánh Linh.

Ga-la-ti 5:22-23 22 Nhưng quả của Thánh Linh là: lòng yêu thương, sự vui mừng, bình yên, kiên nhẫn, nhân từ, hiền lành, trung tín, 23nhu mì, tiết độ. Không có luật pháp nào ngăn cấm các sự đó.

Quả của Thánh Linh gồm có chín đức tính này: lòng yêu thương, sự vui mừng, bình yên, kiên nhẫn, nhân từ, hiền lành, trung tín, nhu mì, tiết độ. Khi con cái của nước Thiên Đàng bày tỏ chín đức tính này trong cuộc sống của họ thì người đời sẽ khen ngợi Chúa Trời Đức Gia-vê, Danh của Ngài được vinh hiển.

Còn những con cái của ma quỉ thì mang quả có độc. Mang quả có độc có nghĩa là gì?

Ga-la-ti 5:19-21 19Các hành động của xác thịt là rõ ràng lắm, ấy là: gian dâm, ô uế, phóng đãng, 20thờ thần giả, phù phép, thù oán, xung đột, ghen ghét, tức giận, tham vọng ích kỷ, chia rẽ, bè phái, 21ganh tị, say sưa, ăn chơi sa đọa, cùng những chuyện tương tự như vậy. Tôi cảnh cáo anh em cũng như tôi đã từng nói trước rồi: Những người làm những việc ấy thì không được thừa hưởng nước Chúa Trời.

Quả của những kẻ này có độc, ai ăn trúng quả của họ thì sẽ bị bịnh hoặc bị chết. Ở đây tôi đang nói về cuộc sống tâm linh của người Tín Đồ, chứ không phải là cuộc sống thân thể. Những người này tuy mang danh là Tín Đồ Cơ Đốc, nhưng họ vẫn bị tội lỗi ràng buộc, cho nên cuộc sống của họ đầy dẫy những hành động tội lỗi. Cuộc sống và hành động của họ khiến Danh của Chúa Trời mang xấu và khiến người khác vấp ngã phạm tội.

Trong những năm trời hầu việc Chúa Trời truyền giảng Tin Lành, chồng tôi và tôi từng thấy nhiều người mang danh là Tín Đồ Cơ Đốc, nhưng cuộc sống và hành vi của họ không ra gì cả. Nhất là ở xã hội Âu Mỹ ngày nay, nhiều người Tín Đồ Cơ Đốc cũng ham mê tiền tài hưởng thụ, họ không coi trọng lời dạy của Chúa Giê-su, họ không tìm cầu ý chỉ của Chúa Trời, họ chỉ sống theo ý riêng của mình, họ muốn làm gì thì tự ý mà làm rồi sau đó còn tìm cách bào chữa cho hành động của mình nữa. Ở bên nước Mỹ có một người Tín Đồ Cơ Đốc ly dị với vợ mình rồi đi cưới một người đàn bà khác, mà người còn nói rằng ấy là Chúa Trời bảo người hãy ly dị với vợ. Ly dị là trái ngược với lời dạy của Chúa Giê-su, nhưng người này lại dám nói rằng Chúa Trời bảo người hãy ly dị với vợ mình! Có một đôi vợ chồng Tín Đồ Cơ Đốc, một hôm họ bất hòa với ông thầy của mình, rồi họ gởi mail cho nhiều người anh chị em Tín Đồ để đả kích phỉ báng ông thầy đó.

Những kẻ mang danh là Tín Đồ Cơ Đốc lại làm những chuyện tội lỗi như vậy, ngay cả nhiều người thờ pho tượng cũng chẳng làm những chuyện này. Những người tôi vừa kể ở trên đều tin vào Chúa Trời Đức Gia-vê và Chúa Giê-su nhiều năm rồi, họ còn hướng dẫn nhiều người tin vào Chúa Giê-su nữa, họ cũng hăng say phụng sự Chúa Trời, nhưng khi họ làm những chuyện xấu xa như vậy thì họ khiến nhiều người Tín Đồ vấp ngã và làm nhục cái Danh của Chúa Trời.

Tại Sao Hiện Giờ Chúa Giê-su Không Loại Ra Những Con Cái Của Ma Quỉ Khỏi Hội Thánh?

Nhiều khi tôi nhìn vào hành vi cuộc sống của những tên này, tôi nghĩ rằng tại sao Chúa Giê-su không loại họ ra khỏi Hội Thánh rồi tiêu diệt họ luôn? Nhưng tôi nhớ đến lời của Chúa Giê-su trong câu 29 & 30 của ví dụ này:

Ma-thi-ơ 13:29-30 29 Chủ nói rằng: “Không nên, e rằng khi nhổ cỏ lồng vực thì các ngươi sẽ nhổ cả gốc lúa đi. 30 Cứ để cả hai thứ cùng lớn lên cho đến mùa gặt. Đến mùa gặt, ta sẽ dặn thợ gặt rằng: “Trước hết hãy nhổ cỏ lồng vực và bó lại từng bó để đốt đi; nhưng hãy thâu trữ lúa mì vào kho ta.””

Người chủ không cho phép các đầy tớ nhổ ra cỏ lồng vực, tại vì cỏ lồng vực là ở giữa lúa mì, rễ của họ vướng vít với nhau. Nếu nhổ ra cỏ lồng vực thì e rằng cả lúa mì cũng bị nhổ ra luôn.

Tương tự như vậy, những con cái của ma quỉ sống ở giữa các Tín Đồ Cơ Đốc, hai hạng người này lớn lên cùng một lượt. Có một số Tín Đồ thơ ấu yếu ớt bị những con cái của ma quỉ ảnh hưởng rồi phạm tội lỗi, nhưng họ không phải là con cái của ma quỉ, tuy rằng họ phạm tội nhưng tấm lòng của họ vẫn kính mến Chúa Trời Đức Gia-vê và tin vào Chúa Giê-su. Nếu bây giờ Chúa Giê-su loại bỏ những người phạm tội lỗi trong Hội Thánh thì chẳng những con cái của ma quỉ bị tiêu diệt, mà e rằng những Tín Đồ lầm đường lạc lối cũng bị tiêu diệt luôn.

Chúa Trời Đức Gia-vê thấu hiểu tấm lòng của mỗi một người, Ngài là thánh sạch công nghĩa, mà đồng thời cũng nhân từ thương xót vô biên, hiện bây giờ Ngài không muốn loại bỏ những Tín Đồ đã phạm tội lỗi, Ngài cho họ có dịp ăn năn hối cải trở về với Ngài.

Kết Luận

Hôm nay chúng ta đã tra khảo ví dụ của cỏ lồng vực. Hiện bây giờ ở trong Hội Thánh có nhiều con cái của nước Thiên Đàng nhưng đồng thời cũng có những con cái của ma quỉ. Giữa con cái của nước Thiên Đàng và con cái của ma quỉ thì không có khác nhau bao nhiêu ở bên ngoài, nhưng ở bên trong thì rất khác biệt.

Con cái của nước Thiên Đàng mang quả của Thánh Linh, còn con cái của ma quỉ mang quả của xác thịt có độc. Những người ăn trúng cái quả có độc thì sẽ bị bịnh hoặc chết đi. Tương tự như vậy, những người gần gũi với con cái của ma quỉ sẽ bị cái quả có độc ảnh hưởng mà vấp ngã phạm tội.

Bởi vậy chúng ta phải cẩn thận để ý, chúng ta không nên tự cao nghĩ rằng: “Ta tin vào Chúa Giê-su, ta đi dự lễ tại Hội Thánh mỗi tuần, ta đã làm việc này việc kia cho Chúa Trời, ta chắc là con cái của nước Thiên Đàng, ta chắc được hưởng sự sống đời đời.” Hỡi các bạn ơi, chúng ta nên tự xem xét cuộc sống của mình hiện giờ có mang quả của Thánh Linh không? Hoặc là ta mang quả có độc ? Nếu chúng ta không có mang quả của Thánh Linh thì ta phải ăn năn hối cải liền, Chúa Trời Đức Gia-vê nhân từ thương xót, Ngài sẽ tha tội cho ta và ban ân điển để giúp đỡ ta trở về con đường công nghĩa.

Nếu chúng ta phạm tội lỗi mà không ăn năn hối cải, thì ta sẽ càng ngày càng xa rời con đường chân lý của Chúa Trời, và càng ngày càng đi vào con đường phản nghịch tội lỗi của ma quỉ. Đến ngày tận thế khi Chúa Giê-su trở về, những kẻ khiến người ta vấp ngã và những kẻ làm ác sẽ bị loại ra khỏi nước của Chúa và bị quăng vào lửa. Nếu chúng ta đã khiến người ta vấp ngã và chúng ta đã làm ác thì ta sẽ bị quăng vào lửa. Đây là một cảnh cáo cho Tín Đồ Cơ Đốc chúng ta. Còn những người công nghĩa sẽ chiếu sáng như mặt trời trong nước của Cha mình.

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church