You are here

Sáng Thế Ký (3)

Sáng Thế Ký (3)

Ca-in Và A-bên – Tội Sát Nhân Đầu Tiên

Sáng Thế Ký 4: 1 – 26

Bài giảng của Bà Mục Sư Châu Huệ Hiền


Download PDF File – Tải Xuống Bài PDF

Kỳ trước chúng ta đã tra khảo Sáng Thế Ký 3. Sau khi A-đam và người nữ phạm tội lỗi, họ bị đuổi ra khỏi vườn Ê-đen. Hôm nay chúng ta tiếp tục tra khảo quyển sách Sáng Thế Ký.

Chúa Trời Đức Gia-vê Hài Lòng Về A-bên Nhưng Không Hài Lòng Về Ca-in

Sáng Thế Ký 4:1 – 5 1 A-đam ăn ở với Ê-va, vợ mình; người thụ thai và sinh Ca-in, người nói rằng: “Nhờ Gia-vê giúp đỡ, tôi đã sinh được một người.” 2 Ê-va lại sinh A-bên, em của Ca-in. A-bên làm nghề chăn chiên, còn Ca-in làm nghề cày cấy đất đai. 3 Sau một thời gian, Ca-in dùng sản phẩm của đồng ruộng làm của lễ dâng cho Gia-vê. 4 A-bên cũng dâng chiên con đầu lòng trong bầy mình cùng với mỡ của chúng. Gia-vê hài lòng nhìn A-bên và lễ vật của người ; 5 nhưng Ngài không hài lòng nhìn Ca-in và lễ vật của người. Ca-in giận lắm và sầm mặt xuống.

Tại sao Chúa Trời Đức Gia-vê hài lòng về A-bên và lễ vật của người, nhưng Ngài lại không hài lòng về Ca-in và lễ vật của người. Tại sao vậy?

Có phải là tại vì của lễ của A-bên là thịt, còn của lễ của Ca-in chỉ là rau cải trái cây chăng?

Không, hoàn toàn không phải. Ca-in là người làm ruộng, người chỉ làm ra được rau cải trái cây thôi, người lấy đâu mà có thịt để hiến dâng? Nếu Chúa Trời không hài lòng về lễ vật của Ca-in chỉ vì đó là rau cải trái cây thì thật là không công bằng !

Sở dĩ Chúa Trời hài lòng về A-bên nhưng lại không hài lòng về Ca-in là tại vì tâm trạng thái độ của hai anh em này. A-bên hiến dâng những con chiên đầu lòng và phần mỡ. Khi chiên cái sinh con lần đầu tiên, lúc đó chiên cái còn trẻ và khỏe mạnh, cho nên thường thường những chiên con đầu lòng là khỏe mạnh nhất và tốt nhất. Chiên cái càng sinh nhiều thì sức khỏe càng yếu kém, cho nên những chiên con sinh ra cũng yếu ớt dần dần. Hơn nữa trong thời cổ xưa người ta coi phần mỡ của con vật là phần tốt nhất, ăn ngon miệng nhất. Ngày nay người ta tránh phần mỡ, nhưng ngày xưa thì trái ngược hẳn. Ngày nay trong những xã hội nghèo khổ, người ta chẳng có bao nhiêu thịt ăn, thì họ vẫn thích ăn mỡ, họ coi phần mỡ là phần tốt nhất của con vật.

Chính vì A-bên hiến dâng món tốt nhất của mình cho Chúa Trời, bởi vậy Ngài hài lòng về người.

Còn Ca-in hiến dâng các sản phẩm của đồng ruộng cho Chúa Trời, nhưng ấy không phải là sản phẩm tốt nhất. Chúa Trời không hài lòng về Ca-in là vì thái độ sai lầm của người.

Tất cả vũ trụ vạn vật đều do Chúa Trời tạo ra, Ngài dựng nên cây cối động vật ruộng đất nước uống cho chúng ta. Ngài không cần những món của lễ của ta, Ngài chỉ coi trọng về tấm lòng của ta thôi.

Thí dụ khi một người bạn giúp đỡ chúng ta rất nhiều, rồi ta tặng một món quà để cảm tạ người bạn này, có lẽ nào ta cứ mua đại một món gì tầm thường cho người bạn này không? Lẽ dĩ nhiên chúng ta phải chọn một món quà rất tốt cho người bạn để bày tỏ tấm lòng cảm tạ của mình. Khi chúng ta tặng một món quà cho cha mẹ, lẽ dĩ nhiên ta phải tặng một món rất tốt. Trong cuộc đời của chúng ta, tất cả những gì ta có đều cho Chúa Trời ban cho, khi ta hiến dâng của lễ cho Ngài, ta muốn bày tỏ tấm lòng cảm tạ của mình đối với Ngài, lẽ dĩ nhiên ta phải hiến dâng món tốt nhất cho Ngài.

Ma-thi-ơ 22:35 – 40 35 Có một thầy dạy Luật trong nhóm ấy hỏi câu này để thử Chúa: 36 “Thưa thầy, trong Luật Pháp điều răn nào là lớn hơn hết?” 37 Chúa Giê-su đáp rằng: “Ngươi hãy hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa là Chúa Trời ngươi. 38 Ấy là điều răn thứ nhất và lớn hơn hết. 39 Còn điều răn thứ hai cũng như vậy: Ngươi hãy yêu thương người lân cận như mình. 40 Hết thảy Luật Pháp và lời tiên tri đều dựa vào hai điều răn này mà ra.”

Chúa Giê-su dạy rằng điều răn quan trọng nhất là hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa Trời, và điều răn thứ hai là ngươi hãy yêu kẻ lân cận như mình. Nếu chúng ta thật sự hết lòng, hết linh hồn, hết ý mà yêu mến Chúa Trời thì lẽ dĩ nhiên ta phải hiến dâng món tốt nhất cho Ngài.

Mác 12:42 – 44 42 Một bà góa nghèo đến bỏ vào hai đồng tiền nhỏ, trị giá một phần tư đồng xu. 43 Chúa gọi các môn đồ của mình đến và nói rằng: “Quả thật, ta nói cùng các ngươi, mụ góa nghèo này đã bỏ vào thùng nhiều hơn hết thảy những người khác đã bỏ vào. 44 Vì mọi người lấy phần dư của mình bỏ vào, còn bà góa nghèo nầy đã dâng tất cả những gì bà có, tất cả những gì bà có để sống.”

Trong đoạn Kinh Thánh này, Chúa Giê-su dạy rằng bà góa phụ nghèo đã hiến dâng nhiều hơn hết thảy những người khác, tại vì những người khác hiến dâng phần dư của mình, còn bà góa nghèo này đã hiến dâng tất cả những gì bà có cho Chúa Trời. Chính là một tấm lòng hiến dâng hoàn toàn như vậy làm hài lòng Chúa Trời.

Hê-bơ-rơ 13:16 16 Đừng quên làm việc lành và chia sẻ cùng người khác, vì sự tế lễ như thế đẹp lòng Chúa Trời.

Đoạn Kinh Thánh này dạy rằng khi ta làm việc lành cho người khác và chia sẻ cùng các anh chị em Tín Đồ, ấy là một món của lễ hiến dâng làm đẹp lòng Chúa Trời.

Chúng Ta Phải Chế Ngự Tội Lỗi

Sáng Thế Ký 4:6 – 7 6 Gia-vê hỏi Ca-in rằng: “Tại sao ngươi giận? Tại sao ngươi sầm mặt xuống ? 7 Nếu ngươi làm tốt, há chẳng ngước mặt lên sao? Còn nếu ngươi chẳng làm tốt, thì tội lỗi đang rình đợi trước cửa, nó thèm ngươi lắm; nhưng ngươi phải chế ngự nó.

Khi Ca-in thấy Chúa Trời không hài lòng về của lễ của mình, người tức giận mà sầm mặt xuống.

Chúa Trời Đức Gia-vê khuyên giải Ca-in tựa như một người cha khuyên giải con cái của mình vậy. Ngài khuyên giải Ca-in lần sau hãy ráng làm tốt thì của lễ của người cũng sẽ được nhận lấy. Rồi Đức Gia-vê cảnh cáo Ca-in hãy coi chừng, đừng có chứa chấp mối giận hờn trong lòng, bằng không người sẽ phạm tội lỗi, vì hiện giờ tội lỗi đang rình đợi trước cửa để tìm cách chụp lấy người. Nếu người không chế ngự ý tưởng tội lỗi trong lòng thì người sẽ bị tội lỗi kiềm chế.

Trong câu 7: “…nó thèm ngươi lắm…”, nguyên văn Hê-bơ-rơ của chữ “thèm” là “תְּשׁוּקָה” (đọc là thơ-su-kha). Trong Cựu Ước của Kinh Thánh, chữ này là dùng để mô tả dục vọng thèm muốn giữa hai vợ chồng. Mà câu 7 là nói về tội lỗi thèm muốn Ca-in, và Ca-in phải chế ngự tội lỗi.

Điểm này cho ta thấy rằng tội lỗi là dính liền với dục vọng của xác thịt. Nếu chúng ta không kiềm chế dục vọng của xác thịt thì ta sẽ sa vào tội lỗi.

Gia-cơ 1:14 – 15 14 Nhưng mỗi người bị cám dỗ khi người bị dục vọng mình lôi cuốn và quyến rũ. 15 Khi dục vọng thai nghén sinh ra tội lỗi; tội lỗi trưởng thành sinh ra sự chết.

Quả thật hết thảy tội lỗi đều bắt nguồn từ những dục vọng ác tưởng trong lòng. Nếu chúng ta không chối bỏ những ác tưởng này mà cứ chứa chấp dục vọng trong lòng thì dần dần ta sẽ bị dục vọng lôi kéo mà sa vào tội lỗi. (Xin đọc bài giảng “Ngươi Chớ Phạm Tội Tà Dâm” để hiểu rõ tình hình tội lỗi bắt nguồn từ dục vọng trong lòng)

Ca-in Giết A-bên Vì Lòng Ghen Ghét

Sáng Thế Ký 4:8 8 Ca-in nói chuyện với A-bên, em mình. Khi hai người đang ở ngoài đồng, thì Ca-in xông đến A-bên, em mình, và giết đi.

Chúa Trời không hài lòng về Ca-in và lễ vật của người, nhưng Ngài hài lòng về A-bên và của lễ của người. Bởi vậy Ca-in ghen ghét A-bên.

Chúa Trời biết rõ tâm trạng của Ca-in, Ngài đã cảnh cáo Ca-in phải chế ngự lòng ghen ghét này, bằng không thì lòng ghen ghét sẽ kiềm chế người và lôi kéo người sa vào tội lỗi.

Nhưng buồn thay cho Ca-in, người không chế ngự những ác tưởng trong lòng của mình. Rốt cuộc Ca-in giết đi A-bên vì lòng ghen ghét.

Chúa Trời Trừng Phạt Ca-in

Sáng Thế Ký 4:9 – 12 9 Gia-vê hỏi Ca-in rằng: “A-bên, em ngươi ở đâu?” Người nói rằng: “Tôi không biết, tôi là người giữ em tôi sao?” 10 Gia-vê nói rằng: “Ngươi đã làm điều chi vậy? Tiếng của máu em ngươi từ dưới đất kêu thấu đến ta. 11 Bây giờ, ngươi bị rủa sả bởi đất, đất đai hả miệng chịu hút máu của em ngươi từ tay ngươi đổ ra. 12 Khi ngươi canh tác đất đai, đất không sinh hoa lợi cho ngươi nữa; ngươi sẽ lưu lạc và phiêu bạt trên mặt đất.”

1. Chúa Trời giúp đỡ tội nhân thấy rõ tội lỗi của mình

Chúa Trời Đức Gia-vê nhận biết mọi sự, Ngài chắc biết rằng A-bên đã bị Ca-in giết đi. Nhưng tại sao Ngài lại hỏi Ca-in đứa em của người, A-bên ở đâu?

Đức Gia-vê đã gọi A-đam và Ê-va bằng một câu hỏi tương tự như vậy. Sau khi A-đam và Ê-va phạm tội lỗi, họ ẩn mình giữa bụi cây để tránh mặt Đức Gia-vê. Ngài chắc biết rằng A-đam và Ê-va đã phạm tội lỗi và đang ẩn mình giữa bụi cây. Nhưng Ngài vẫn kêu gọi A-đam rằng: “Ngươi ở đâu?”

Điều này bày tỏ cho ta thấy tính tình nhân từ thương xót và trí tuệ của Đức Gia-vê. Ngài kêu gọi tội nhân đến cùng Ngài, khi Ngài hỏi Ca-in đứa em của người ở đâu, ấy không phải là tại vì Ngài không biết A-bên ở đâu, nhưng mục đích của Ngài là tra hỏi Ca-in một cách dịu dàng để giúp người thấy rõ tội lỗi của mình. Khi tội nhân thấy rõ tội lỗi của mình thì họ mới bắt đầu hối cải.

2. Ca-in phạm thêm tội nói dối

Khi Đức Gia-vê tra hỏi A-đam thì người nói ra tội lỗi của mình một cách thành thật. Nhưng Ca-in thì không phải như vậy. Người không chịu thú thật tội lỗi của mình và người còn nói dối nữa, người nói rằng: “Tôi không biết, tôi là người giữ em tôi sao?” (câu 9)

Ngày nay, tội nhân cũng hành động một cách tương tự như vậy. Khi chúng ta phạm tội rồi thì chúng ta cũng không chịu chấp nhận tội lỗi của mình, ta cứ đổ lỗi cho người này người kia, ta tìm cách bào chữa cho hành động của mình.

Từ điểm này cho chúng ta thấy rằng khi chúng ta phạm tội lỗi mà không chịu ăn năn hối cải thì tâm linh của ta sẽ trở nên ngày càng mù ám đến nỗi ta nghĩ rằng Chúa Trời không thấy tội lỗi của mình. Hơn nữa, tội nhân chúng ta còn thường phạm thêm nhiều tội lỗi khác để che đậy tội lỗi trước của mình nữa.

1 Cô-rinh-tô 5:6 – 8 6 Điều anh em khoe khoang là không tốt! Anh em há chẳng biết rằng một chút men làm cho cả đống bột dậy lên sao? 7 Hãy tẩy sạch men cũ đi, hầu cho anh em trở nên bột nhồi mới, đúng như anh em là không men vậy. Vì đấng Christ là con chiên của lễ Vượt Qua của chúng ta đã bị hy sinh rồi. 8 Bởi vậy chúng ta hãy kỷ niệm ngày lễ, chớ dùng men cũ, men gian ác và độc dữ, nhưng dùng bánh không men của sự chân thành và lẽ thật.

Trong đoạn Kinh Thánh trên sứ đồ Phao-lô so sánh tội lỗi như chất men. Một chút men có thể làm cho cả đống bột dậy lên. Khi chúng ta mang tội lỗi trong lòng mà không ăn năn hối cải liền, thì tội lỗi sẽ ngày càng gia tăng, rốt cuộc cả tâm hồn và cả cuộc đời của ta đều sẽ bị tàn phá.

3. Chúa Trời trừng phạt Ca-in

Ca-in đã giết đi người em của mình là A-bên, máu của A-bên từ dưới đất đã kêu thấu đến Chúa Trời (câu 10). Đức Gia-vê là đấng công nghĩa và thánh sạch, Ngài phải chấp hành phán xét để trừng phạt Ca-in.

Mặt đất đã hút lấy máu của A-bên, và Ca-in bị rủa sả bởi mặt đất. Đất đai không sinh hoa lợi cho người nữa. Từ nay trở đi, cho dù Ca-in cần cù làm việc, nhưng sẽ không thâu được thành quả gì nữa.

Ca-in là người làm ruộng, đáng lẽ người phải định cư tại một chỗ để lo việc trồng trọt cầy cấy. Nhưng khi đất đai không sinh hoa lợi thì người phải rời đi chỗ khác. Bất cứ người đi đến đâu, đất đai vẫn không sinh hoa lợi cho người. Rốt cuộc Ca-in sẽ lưu lạc và phiêu bạt trên mặt đất.

Lòng Nhân Từ Thương Xót Của Chúa Trời Đức Gia-vê

Sáng Thế Ký 4 :13 – 15 13 Ca-in thưa với Gia-vê rằng: “Sự hình phạt của tôi nặng quá mang không nổi. 14 Này, ngày nay Chúa đuổi tôi ra khỏi đất nầy, tôi sẽ lánh mặt Chúa, tôi sẽ lưu lạc phiêu bạt trên mặt đất, rồi có ai gặp tôi, họ sẽ giết tôi đi.” 15 Gia-vê nói rằng: “Bởi cớ ấy, nếu ai giết Ca-in thì sẽ bị báo thù gấp bảy lần.” Gia-vê bèn đánh đấu trên người Ca-in hầu cho ai gặp Ca-in thì không giết.

Ca-in vẫn không đề cập đến ăn năn hối cải xưng tội của mình, mà người nghĩ đến hình phạt của mình nặng quá. Ca-in biết rằng từ nay trở đi người không được thấy mặt Chúa Trời Đức Gia-vê nữa, người sẽ lưu lạc phiêu bạt trên mặt đất, và người sợ rằng người khác sẽ giết mình đi.

Chúa Trời Đức Gia-vê nhân từ vô biên, Ngài bèn nói rằng nếu ai giết Ca-in thì sẽ bị báo thù gấp bảy lần, và Ngài đánh dấu trên người Ca-in để cho người khỏi bị giết đi.

Ca-in là kẻ sát nhân, hình phạt cho tội sát nhân là xử tử. Đức Gia-vê chẳng những không xử tử Ca-in, mà Ngài còn đánh dấu trên Ca-in để che chở bảo vệ người khỏi bị người khác giết hại, tại sao vậy?

Tại vì lúc đó Chúa Trời chưa ban luật pháp để cai quản hành vi việc làm của loài người.

Sáng Thế Ký 9:5 – 6 5 Chắc chắn ta sẽ đòi lại máu của sinh mạng các ngươi, ta sẽ đòi lại nơi mọi loài thú vật, nơi mọi người, ta sẽ đòi lại mạng sống của mọi người từ nơi anh em của nó. 6 Hễ kẻ nào làm đổ máu người, thì sẽ bị người khác làm đổ máu lại, vì Chúa Trời làm nên người theo hình ảnh của Ngài.

Trong đoạn Kinh Thánh trên Sáng Thế Ký 9:5 – 6 Chúa Trời Đức Gia-vê ban hành luật pháp về hình phạt cho tội sát nhân. Hễ ai làm đổ máu người thì sẽ bị người khác làm đổ máu lại, lý do là tại vì loài người được dựng nên theo hình ảnh của Chúa Trời. Hễ ai giết một con thú vật thì không bị xử tử, chỉ vì thú vật không phải theo hình ảnh của Chúa Trời.

Mãi đến Sáng Thế Ký 9 mới có luật pháp để trừng trị tội sát nhân.

Rô-ma 5:13 13 Vì trước khi có Luật Pháp, tội lỗi đã ở trong thế gian, nhưng chưa có Luật Pháp thì tội cũng không được kể.

Đúng như câu Kinh Thánh Rô-ma 5:13 nói rằng khi chưa có Luật Pháp thì tội không được kể lại tội lỗi.

Đó là lý do thứ nhất tại sao Chúa Trời Đức Gia-vê không xử tử Ca-in.

Lý do thứ hai là lòng nhân từ thương xót vô biên của Chúa Trời. Ngài biết rằng Ca-in giết người em A-bên vì lòng ghen ghét. Chính vì Ca-in yêu mến Chúa Trời Đức Gia-vê cho nên người mới ghen ghét A-bên. Nếu không có yêu mến thì cũng không có ghen ghét. Yêu mến càng nhiều thì lòng ghen ghét càng mạnh.

Ca-in ghen ghét A-bên đến nỗi người giết em mình đi, điều đó chứng tỏ rằng người yêu mến Chúa Trời rất nhiều. Trong câu 14 ta thấy Ca-in không phải chỉ lo cho sinh mạng của mình thôi, mà người còn lo nghĩ rằng từ nay trở đi người sẽ lánh mặt Chúa Trời. Chính vì người yêu mến Chúa Trời, cho nên lánh mặt Chúa Trời là một điều đau khổ cho người.

Chính vì vậy, Chúa Trời Đức Gia-vê động lòng thương xót cho Ca-in, Ngài làm dấu trên Ca-in để che chở bảo vệ người, và cũng là để nhắc nhỡ Ca-in rằng Ngài vẫn trông nom người.

Tội Lỗi Gia Tăng Trong Dòng Dỗi Của Ca-in

Ca-in bèn đi ra khỏi mặt Gia-vê, và ở tại xứ Nốt ở phía đông của Ê-đen.

Ca-in ăn ở với vợ mình, nàng thụ thai và sinh Hê-nóc. Rồi, Hê-nóc sinh Y-rát; Y-rát sinh Nê-hu-đa-ên; Nê-hu-đa-ên sinh Mê-tu-sa-ên; Mê-tu-sa-ên sinh Lê-méc.

Lê-méc cưới hai vợ; một người tên là A-đa, một người tên là Si-la. A-đa sinh Gia-banh; Gia-banh là tổ phụ của các dân ở trại và nuôi bầy gia súc. Em người là Giu-banh, tổ phụ của những kẻ đánh đờn và thổi sáo. Còn Si-la cũng sinh Tu-banh-Ca-in là người rèn đủ thứ dụng cụ bén bằng đồng và bằng sắt. Em gái của Tu-banh-Ca-in là Na-a-ma.

Lê-méc nói với hai vợ mình rằng: “Hỡi A-đa và Si-la! hãy nghe lời ta; Nầy, vợ của Lê-méc, hãy lắng tai nghe lời ta. Ta đã giết một người, vì người khiến ta bị thương, và một người trẻ, vì đánh sưng bầm ta. Nếu Ca-in được bảy lần trả thù, Lê-méc sẽ được bảy mươi bảy lần báo oán.”

Lê-méc giết hai người rồi còn khoe khoan tự hào rằng người báo oán kẻ thù nghịch bảy mươi bảy lần nữa. Ca-in phạm tội lỗi rồi mà không ăn năn hối cải. Tấm lòng và hành vi tội lỗi của Ca-in đã gây một ảnh hưởng xấu xa cho con cháu của người. Tội lỗi gia tăng trong dòng dỗi của Ca-in. Từ A-đam đến Lê-méc chỉ có bảy đời thôi, mà loài người đã trở nên tàn ác hung dữ đến dường nào!

Dòng Dỗi Của Sết Cầu Khẩn Danh Của Gia-vê

Sáng Thế Ký 4:25 – 26 25 A-đam lại ăn ở với vợ mình; người sinh một con trai đặt tên là Sết; vì người nói rằng: “Chúa Trời đã cho tôi một con trai khác thay cho A-bên, vì Ca-in đã giết người đi.” 26 Sết cũng sinh một con trai đặt tên là Ê-nót. Từ đó, người ta bắt đầu cầu khẩn danh Gia-vê.

Chúa Trời lại ban cho A-đam và Ê-va một con trai khác tên là Sết để thay cho A-bên. Dòng dỗi của Sết thì khác với dòng dỗi của Ca-in. Trong khi tội lỗi gia tăng giữa con cháu của Ca-in, mà ở giữa con cháu của Sết thì họ tìm cầu Chúa Trời Đức Gia-vê, họ cầu khẩn danh của Ngài.

Kết Luận

Hôm nay chúng ta đã tra khảo Sáng Thế Ký 4:1 – 26, ta thấy rằng:

  1. Khi chúng ta hiến dâng của lễ cho Chúa Trời, ta phải hiến dâng món tốt nhất. Chúa Trời Đức Gia-vê không cần những món của lễ của ta, nhưng Ngài muốn một tấm lòng hoàn toàn trọn vẹn.
  2. Tất cả tội lỗi đều bắt nguồn từ dục vọng của xác thịt. Chúng ta phải chế ngự dục vọng ác tưởng trong lòng của mình, nếu ta không chế ngự nó thì nó sẽ kiềm chế ta và khiến ta sa vào tội lội.
  3. Cho dù chúng ta phạm tội lỗi rồi, nhưng Chúa Trời Đức Gia-vê vẫn thương xót cho ta, Ngài hằng kêu gọi ta từ bỏ tội lỗi và trở về với Ngài.
  4. Nếu chúng ta không ăn năn hối cải tội lỗi của mình, thì tấm lòng của ta sẽ ngày càng mù ám, ta sẽ càng ngày càng xa rời Chúa Trời. Rồi cuộc đời tội lỗi của ta sẽ gây ảnh hưởng xấu xa cho con cháu, tội lỗi gia tăng trong dòng dỗi của mình.

© Châu Huệ Hiền, 2016, 2018

Permission is granted for the non-profit distribution or printing of this message for the ministry of the Gospel.

Cho phép phân phát hoặc in lại bài giảng này phi lợi nhuận trong việc rao truyền Tin Lành.

 

(c) 2021 Christian Disciples Church